Thách thức bất ngờ chờ đón Tân Nhật hoàng Naruhito

Tú Anh (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Di sản đáng quý cũng đồng thời là thách thức lớn nhất của Nhật hoàng Naruhito.

Với lễ đăng quang hôm 1/5, Thái tử Naruhito đã chính thức trở thành nhà vua thứ 126 của Nhật Bản kể từ năm 660 trước Công nguyên.

Di sản cho người kế thừa

Vượt ra khỏi những khuôn phép thường thấy và hào quang của hoàng gia, vị vua mới cũng sẽ nhận được một gia tài quan trọng hơn nhiều, mặc dù ít chói lọi hơn, đó là sự tôn trọng dành cho hoàng gia mà cha ông- Nhật hoàng Akihito đã tích lũy qua triều đại ba thập kỷ của mình.

 Tân Nhật hoàng Naruhito.

Sự thoái vị của Nhật hoàng Akihito, được lên kế hoạch từ năm 2016, giúp đảm bảo tiến trình kế thừa suôn sẻ cho Thái tử Naruhito. Nhưng món quà tuyệt vời nhất dành cho Thái tử Naruhito thực sự là tấm gương mà Nhật hoàng đã gầy dựng lên.

Tình yêu mà nhiều người dân Nhật Bản dành cho Nhà vua Akihito 85 tuổi được thể hiện khi ông có chuyến thăm chính thức cuối cùng tới giải đấu sumo mùa đông đầu năm nay. Một đám đông người nhảy múa, hò reo, mỉm cười và vẫy cờ trên đường đón Nhà vua cho thấy tình cảm đó.

Tình cảm này còn thấy được thông qua những khoảnh khắc khiêm tốn hơn. Đó là chuyến thăm khu di tản của thảm họa sóng thần-động đất năm 2011. Khi đó hình ảnh Nhật hoàng Akihito mặc một chiếc áo gió đơn giản, quỳ trên sàn gỗ và lắng nghe, thăm hỏi những nạn nhân đã thực sự lay động người dân xứ sở mặt trời mọc.  

Nhật hoàng Akihito không còn quyền lực chính trị theo hiến pháp sửa đổi sau chiến tranh. Sự tồn tại của Hoàng gia Nhật Bản chủ yếu thiên về hình tượng, các chuyến thăm nghi lễ và các cuộc công du nước ngoài.

Tuy nhiên, thông qua việc tiếp cận với các đối tác trong nước cũng như nỗ lực  xoa dịu vết thương chiến tranh trong quá khứ với các quốc gia châu Á mà Nhật Bản có “gây hấn” trong Thế chiến II đã khiến ông nổi tiếng chẳng kém một chính trị gia nào. Trong suốt cuộc đời trị vì, Akihito đã tới thăm các địa điểm chiến đấu trong Thế chiến II, bao gồm Okinawa và đảo Saipan ở Thái Bình Dương, để cầu nguyện cho những nạn nhân chiến tranh ở cả hai phía và bày tỏ sự hối hận về cuộc chiến.

"Đôi giày quá lớn"

Nhưng những di sản này, mặt khác cũng trở thành thử thách lớn nhất của tân Nhật hoàng Naruhito. “Nhật Hoàng Akihito đang để lại một đôi giày quá lớn đối với (Thái tử) Naruhito”, Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Nhật Bản cho biết. “Nhật hoàng đã để lại nhiều di sản cho con trai tiếp tục duy trì. Nhưng vấn đề là, uy quyền không phải cái bạn có thể được thừa kế mà cần tự xây dựng”, chuyên gia này nói.

Giới quan sát vẫn còn đặt dấu hỏi cho khả năng đóng góp của Nhà vua mới đăng quang cho Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế sau giai đoạn bùng nổ; gia tăng căng thẳng chính trị với một Trung Quốc đang trỗi dậy; và vị trí của Nhật Bản trên trường quốc tế đang bất định trước mối lo “già hóa” trong khu vực và thế giới.

Thực tế là, với việc đăng quang hôm 1/5, Tân Nhật hoàng Naruhito đã trở thành là cầu nối cho cả quá khứ xa xưa và tương lai bất định của xứ sở mặt trời mọc. Đối với Nhật Bản, hoàng gia đại diện cho một biểu tượng của quốc gia, bản sắc và sự ổn định trong một thế giới không ngừng thay đổi. Làm thế nào để người dân Nhật Bản khi hướng đến hoàng gia, họ luôn soi chiếu được phẩm giá và lễ độ để cảm thấy an tâm trong một thế giới đầy bất biến. Đó là ý nghĩa của hoàng gia Nhật mà tân Nhà vua Naruhito cần gìn giữ và xây dựng.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần