Thách thức cho các cải cách kinh tế Pháp của "luồng gió mới" Macron

Ngọc Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuy nhiên, khoảng hơn 60% cử tri nông thôn không đi bầu cử Quốc hội mới là thách thức thực sự của tân Tổng thống Pháp.

Nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế đang dần cải thiện từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiệm vụ trong thời gian tại nhiệm của Tổng thống Macron là rất nặng nề. Tổng thống Pháp đang ở nỗ lực thúc đẩy cải cách sâu rộng đất nước với 3 dự án: Luật Lao động, Luật Chống khủng bố và đạo đức hóa đời sống chính trị.
Chương trình kinh tế của Tổng thống Pháp đưa ra nhiều cải cách mà các cố vấn của ông cũng như nhiều chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng phù hợp để giải quyết gốc rễ những vấn đề trong nền kinh tế Pháp. 
 Tổng thống Pháp Macron.
Trong số những chương tình cải cách được đề ra, Tổng thống Macron muốn coi cải cách Luật Lao động là một ưu tiên. Nước Pháp có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn các nước láng giềng, DN thiếu tính cạnh tranh, trong khi cánh cửa gia nhập thị trường lao động lại quá hẹp đối với người thất nghiệp và những người nhập cư. Trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống Macron đã cam kết tiến hành cải cách Luật Lao động nhằm "cởi trói" cho thị trường lao động và coi đây là chìa khóa để giải quyết bài toán thất nghiệp.
Tổng thống Macron cam kết sửa đổi các quy định trong bộ Luật Lao động và giảm bớt sự chi phối của Nhà nước đối với hoạt động của các DN. Theo đó, các chủ lao động sẽ được phép thương lượng trực tiếp với các nhân viên về các điều kiện lao động. Ngoài ra, người đứng đầu nước Pháp cam kết đổi mới hệ thống lương hưu vào năm 2018, với mục đích làm cho hệ thống này trở nên "minh bạch và công bằng hơn". Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã tuyên bố sẽ cắt giảm thuế DN từ 33% hiện nay cuống còn 25%, đồng thời giảm thuế bất động sản cho phần lớn người dân Pháp.
Chính sách cải cách kinh tế của ông Macron được đánh giá là hài hòa hơn so với những người tiền nhiệm nhằm tránh những xung đột không đáng có. 
Báo cáo mới nhất của Ngân hàng T.Ư Pháp nhận định, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng cao hơn mong đợi cho đến hết năm 2019, nhờ hoạt động thương mại quốc tế năng động hơn. Dự báo, nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Pháp sẽ tăng từ mức ước vào khoảng 1,4% năm nay lên 1,6% cho 2 năm 2018 - 2019.Trong quý I/2017, nền kinh tế Pháp đã tạo thêm 89.700 việc làm mới, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 10 liên tiếp, nền kinh tế Pháp tạo ra nhiều việc làm mới và mức tăng này là cao nhất kể từ năm 2010.
Bên cạnh đó, lòng tin tiêu dùng tại Pháp ở mức cao nhất trong gần 10 năm giữa bối cảnh người dân lạc quan hơn về thu nhập sau khi Tổng thống Macron đưa ra chương trình cải cách. Đây là một trong những động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế. Giới DN và các nhà kinh tế cũng bày tỏ lạc quan về sự thay đổi lớn đối với hình ảnh của nước Pháp. Ông Patrick Pouyanne, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí hàng đầu nước Pháp Total, nói rằng “niềm tin và sự lạc quan đối với nước Pháp đang hồi sinh”, các DN Pháp đã bắt đầu tăng cường chi tiêu và đầu tư.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, khoảng hơn 60% cử tri nông thôn không đi bầu cử Quốc hội mới là thách thức thực sự của Tổng thống. Họ là đối tượng dễ bị bỏ lại trong các cải cách, vốn không còn tin tưởng vào giới tinh hoa chính trị. Họ sẽ là người "giám sát" các động thái của ông Macron cho đến khi thực sự có hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần