Thách thức giải ngân vốn đầu tư công

Trâm Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một mặt, đầu tư công giải quyết đúng nhu cầu của nền kinh tế, mặt khác đầu tư công được thực hiện đúng thời điểm nền kinh tế đang cần. Việc hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm nay là nhiệm vụ rất quan trọng để duy trì sức tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright có cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

 Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn
Đầu tư công “đòn bẩy” phục hồi nền kinh tế
Lường trước khó khăn, Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nguồn vốn này đóng vai trò như thế nào với tăng trưởng kinh tế thưa ông?
- Tổng mức đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2010 - 2019 liên tục tăng và duy trì ở mức cao, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP trung bình đạt 33,5%. Trong cơ cấu đầu tư toàn xã hội, đầu tư của khu vực công có vị trí quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Dịch bệnh khiến các kênh đầu tư khác giảm sút (đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và nhu cầu chi tiêu của người dân giảm), do vậy các chính sách kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng là giải pháp đặc biệt quan trọng.
Tăng cường đầu tư công không chỉ để bù đắp sự sụt giảm của các kênh đầu tư khác trong ngắn hạn, mà còn giúp tạo dựng nền tảng để đón đầu cơ hội phục hồi một khi dịch bệnh được kiểm soát, tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế. Vốn đầu tư công còn có tác dụng như nguồn vốn mồi đầu tư vào các khâu, lĩnh vực thiết yếu để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia, tạo sự lan tỏa đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người dân DN nói riêng và nền kinh tế sẽ phục hồi và tăng trưởng nhanh.
Vốn đầu tư công kế hoạch được giao trong năm 2020, tương ứng với 451.000 tỷ đồng, và cộng với năm trước chuyển sang tổng lên đến 700.000 tỷ đồng. Ông nghĩ sao về khả năng giải ngân được hết số tiền này?
- Số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 4/2020, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 23.200 tỷ đồng - khối lượng giải ngân thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2016. Trong tháng 5/2020 đã giải ngân thêm 31.100 tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt mức giải ngân cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân những tháng đầu năm thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán, sau đó diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên từ tháng 5 khi hết giãn cách xã hội, tình hình giải ngân đã tăng mạnh.
Dù tháng 5 giải ngân vốn đầu tư công tăng mạnh nhưng tính chung qua 5 tháng đầu năm 2020, số giải ngân mới ước đạt khoảng 26% kế hoạch (đạt hơn 122.240 tỷ đồng). Năm nay nguồn vốn đầu tư công có khoảng 700.000 tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Như vậy còn hơn 570.000 tỷ đồng vốn đầu tư công đang chờ giải ngân, đây là một thách thức lớn.
Làm rõ trách nhiệm cá nhân
Làm sao đưa nguồn vốn đầu tư công kế hoạch năm 2020 và số vốn được chuyển nguồn tiếp tục giải ngân của kế hoạch năm 2019 vào nền kinh tế một cách nhanh nhất?
- Việc giải ngân không đồng đều diễn ra ở các bộ, ngành, địa phương, có nơi làm rất tốt nhưng có nơi gần như làm không được. Điều này cho thấy, nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện. Các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP, nhất là các cơ quan T.Ư phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Từ 1/1/2020, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã có hiệu lực, tháo gỡ một số khó khăn về mặt pháp lý cho phép phân cấp. Trong bất kỳ dự án nào đều có phân cấp cho các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thực thi dự án.
Do đó vai trò, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng. Nhưng cơ chế thực hiện thì chưa có, nên không thấy ai vì làm chậm mà bị kỷ luật. Muốn đẩy mạnh đầu tư công, không phải chỉ hô hào là đủ, phải có chế tài kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo, cán bộ, công chức vi phạm quy định của pháp luật và cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ giao, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Về phía nhà thầu phải đôn đốc họ đẩy nhanh dự án theo hướng có mặt bằng tới đâu thì thi công đến đó, kiên quyết thay thế đơn vị năng lực yếu để bảo đảm tiến độ.
Về điều chuyển vốn, hiện nay tất cả các dự án đầu tư công đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội phê duyệt. Việc thực hiện cắt, giảm, luân chuyển vốn đều phải báo cáo Quốc hội. Trước mắt, yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải giải ngân theo đúng tiến độ. Lập ngay danh sách các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2020, với cam kết hoàn thành và không thể hoàn thành trong năm 2020 để có phương án thúc đẩy hoặc xử lý. Với các dự án đang gặp vướng mắc, các cơ quan liên quan cần phải liên tục rà soát tình hình thực hiện từng dự án, từ đó phân nhóm các dự án gặp vướng mắc về thủ tục đầu tư, về xây dựng, về đấu thầu; nhóm các dự án vướng mắc về thủ tục đất đai, về giải phóng mặt bằng; nhóm các dự án gặp vướng mắc về kế hoạch vốn và thủ tục giải ngân, thanh quyết toán…; làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc không giải ngân vốn theo kế hoạch, trong đó xác định đúng nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ người chịu trách nhiệm chính, người liên đới trách nhiệm.
Thúc giải ngân vốn đầu tư công, phải chú ý hiệu quả
Thúc giải ngân vốn đầu tư công nên chọn những dự án như thế nào, hay nói đúng hơn cần tiêu tiền thế nào để tác động hiệu quả tới tăng trưởng mà hạn chế những tiêu cực cho nền kinh tế?
- Hiện nay, hiệu quả đầu tư công của Việt Nam được đánh giá vẫn còn hạn chế như: Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư chưa cao; tái cơ cấu đầu tư công còn chậm; các dự án đầu tư công còn dàn trải… Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông của Việt Nam đang có vấn đề như đội vốn lên quá cao so với đấu thầu đã phê duyệt, nguồn vốn chậm giải ngân, chất lượng công trình không đạt theo yêu cầu hoặc xuống cấp nhanh chóng, tham nhũng trong quản lý vốn đầu tư công. Thúc tiến độ đầu tư công chỉ là một vế, đi kèm với đó phải nâng cao hiệu quả đầu tư. Bởi nếu thúc đầu tư bằng mọi giá, nguy cơ có những dự án lãng phí, kém hiệu quả là hiện hữu. Cần phải có một loạt các thể chế và chính sách để có thể quản lý đầu tư công một cách hiệu quả.
Cần đẩy nhanh giải ngân tiến độ thực hiện các dự án lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên kết vùng và cả nước như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bắc Nam, các tuyến cao tốc trọng yếu, các tuyến vành đai... Thậm chí, không chỉ có ý nghĩa hóa giải điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, các dự án này khi hoàn thành còn tạo động lực cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng và phát triển cho giai đoạn sau.
Ngoài những dự án trọng điểm của quốc gia, những dự án nhỏ nhưng có tính chất an sinh xã hội, hoạt động đầu tư công cũng cần hướng nhiều hơn vào các ngành hạ tầng xã hội như giáo dục, y tế, môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và vốn con người.
Giả sử năm nay giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công sẽ tác động đến tăng trưởng thế nào, thưa ông?
- Nguồn vốn đầu tư công chiếm 10,7% tổng giá trị GDP, trên 25% tổng đầu tư toàn xã hội. Theo Tổng cục Thống kê, nếu vốn đầu tư công tăng thêm được 1% sẽ có tác động lan tỏa tới tăng trưởng giá trị sản xuất ngành xây dựng là 1,34 điểm phần trăm; vốn khu vực ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm; đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm.
Trong năm 2019, chúng ta giải ngân được khoảng 325.000 tỷ đồng, bằng khoảng 75% dự toán. Như vậy còn khoảng 15% nữa giải ngân. Nếu giải ngân hết nguồn vốn lên đến 700.000 tỷ đồng thì tăng trưởng GDP sẽ có ít nhất 0,5 điểm phần trăm và góp phần làm tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội của năm 2020.
Tuy nhiên đó là những tỷ trọng trực tiếp chưa kể những tác động lan tỏa của các dự án đầu tư công sang một loạt các ngành khác. Thông thường, một đồng vốn đầu tư công có thể thu hút thêm từ 5 - 7 đồng vốn trong xã hội; kích thích DN khởi nghiệp… Ngoài ra, khi các công trình hạ tầng thiết yếu được hoàn thành sẽ có tác động lan tỏa mạnh với phát triển kinh tế, cụ thể là hoạt động kinh doanh và dịch vụ ăn theo… Do đó, khi giải ngân hết nguồn vốn đầu tư sẽ tác động lớn vào mục tiêu tăng trưởng vượt 5% như Chính phủ hướng tới. Tất nhiên, mong muốn giải ngân hết nguồn vốn đầu tư là như vậy nhưng khả năng đạt được sẽ phải là sự cố gắng rất lớn.
Xin cảm ơn ông!
Cần đẩy nhanh giải ngân tiến độ thực hiện các dự án lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên kết vùng và cả nước như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án cao tốc Bắc Nam, các tuyến cao tốc trọng yếu, các tuyến vành đai... Thậm chí, không chỉ có ý nghĩa hóa giải điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, các dự án này khi hoàn thành còn tạo động lực cho nền kinh tế, tạo tiền đề cho tăng trưởng và phát triển cho giai đoạn sau.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần