Thách thức lớn trong xuất khẩu 2016

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong các ngành, lĩnh vực năm 2015, xuất khẩu hàng hóa vẫn là điểm sáng. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014.

 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả năm nhập siêu khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạch xuất khẩu. 

Xuất khẩu 2015 - 10 điểm nổi bật 

Điểm vượt trội đầu tiên đó là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2015 đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Thứ hai, năm 2015 so với năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 8,1%. Đáng lưu ‎
ý, kết quả này đạt được trong điều kiện giá cả xuất khẩu tiếp tục giảm so với năm trước (chỉ số chung giảm 3,29%, trong đó một số mặt hàng còn giảm nhiều hơn, như: dầu thô giảm 47%, xăng dầu giảm 43,7%, cao su giảm 19,4%, thủy sản giảm 16%, cao su giảm 13%, gạo giảm 8,2%, sắn giảm 5%, cà phê giảm 4,6%...).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mặt khác, kết quả này đạt được trong điều kiện kim ngạch nhập khẩu của nhiều nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam bị sụt giảm về tốc độ tăng. Đó là một cố gắng lớn trong nỗ lực mở cửa, hội nhập ngày một sâu, rộng, với tầm cao mới.

Thứ ba, quy mô và tốc độ tăng đạt được như trên, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.790 USD, cao hơn so với năm 2014 (1.655 USD/người), cao nhất từ trước tới nay, cao thứ 5 trong các nước Đông Nam Á, đứng trên Indonexia, Philippin, Campuchia, Lào, Đông Timo, Myanma).

Thứ tư, mặc dù tốc độ tăng GDP và GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái cao lên, nhưng tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa/GDP năm 2015 đạt khoảng 83,9%, cao hơn tỷ lệ 79,2% của năm 2014, cao nhất từ trước tới nay và thuộc loại cao trên thế giới. Điều đó chứng tỏ độ mở của nền kinh tế Việt Nam thuộc loại khá rộng và tăng lên nhanh chóng.

Thứ năm, theo mặt hàng xuất khẩu, có 23 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 5 tỷ  USD (điện thoại các loại và linh kiện, dệt may, điện tử máy tính và linh kiện, giày dép, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng). Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có 1 mặt hàng (điện thoại các loại và linh kiện) vượt qua mốc 30 tỷ USD. Đóng góp lớn (tăng từ 500 triệu USD trở lên) vào mức tăng kim ngạch tuyệt đối có 7 mặt hàng (điện thoại, máy tính, dệt may, giày dép, máy ảnh máy quay phim, máy móc và dụng cụ phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ).

Thứ sáu, theo địa bàn xuất khẩu, có 23 địa bàn đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 địa bàn đạt trên 10 tỷ  USD (TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên, Đồng Nai, Hà Nội), đặc biệt lần đầu tiên có 1 địa bàn cán mốc 30 tỷ USD là Thái Nguyên. Chỉ sau một vài năm từ vị trí rất thấp, tỉnh này đã vượt lên đứng thứ 4.

Thứ bảy, theo thị trường xuất khẩu, có 29 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 1 tỷ  USD, trong đó có 7 thị trường đạt trên 5 tỷ USD (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, HongKong, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đức). Đặc biệt, lần đầu tiên có một thị trường vượt qua mốc 30 tỷ  USD (thị trường Hoa Kỳ).

Thứ tám, cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Các mặt hàng có kỹ thuật- công nghệ cao (điện thoại, máy tính, máy ảnh và máy quay phim, máy móc), các mặt hàng sử dụng nhiều lao động (dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, túi xách và ví, mũ, ba lô, ô dù...) tăng cao hơn, nên tỷ trọng tăng lên. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản đạt 74 tỷ USD, tăng 11,9%, chiếm 45,5% tổng số; nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp đạt 64,8%, tăng 9,7% và chiếm 39,9%; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 17 tỷ USD, giảm 15,6%, chiếm 4,1%.

Thứ chín, mặc dù vị thế đã chuyển từ xuất siêu trong 3 năm trước sang nhập siêu trong năm nay, nhưng một mặt nhập siêu cũng đã thể hiện nhu cầu đầu tư, sản xuất tiêu dùng tăng lên; mặt khác, nhập siêu chủ yếu là đầu năm, tháng 10, tháng 11 đã xuất siêu và tính chung cả năm tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu thực tế cũng thấp xa so với Nghị quyết của Quốc hội (gần 2% so với 5%).

Thứ mười, kim ngạch xuất khẩu năm nay tuy chưa đạt được kế hoạch của năm nay (tăng 10%, tức là phải đạt 165,2 tỷ USD), nhưng nếu so với kế hoạch 5 năm (tăng 10%/năm, hay đến năm 2015 đạt 116,3 tỷ USD), thì sau khi đã vượt trước 2 năm (từ năm 2013), năm nay đã vượt rất xa (tới trên 46,1 tỷ USD, bình quân thời kỳ 2011 - 2015 tăng 17,6%/năm).

Và những thách thức trong năm 2016

Mục tiêu đề ra cho năm 2016 là tăng 10% và nhập siêu ở mức 5% - tính ra kim ngạch xuất khẩu phải đạt 178,7 tỷ USD, hay tăng 16,3 tỷ USD; mức nhập siêu sẽ là khoảng 8,9 tỷ USD. Đây là mục tiêu có tính khả thi, bởi vì với 8 Hiệp định thương mại (FTA) cũ đã ký, với các FTA thế hệ mới, việc tham gia TPP, Cộng đồng kinh tế ASEAN... sẽ mở ra cơ hội để thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn.
KIM NGẠCH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA QUA CÁC NĂM

(Tỷ USD)
 Nguồn: Tổng cục Thống kê
Nguồn: Tổng cục Thống kê
Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, bởi về lĩnh vực xuất, nhập khẩu cũng còn những yếu kém, bất cập, cùng những cơ hội để hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Những yếu kém, bất cập thể hiện trên nhiều mặt. Cơ cấu hàng xuất khẩu tuy chuyển dịch, nhưng còn chậm, tỷ trọng hàng nguyên liệu thô, chưa chế biến hoặc mới sơ chế, hàng gia công, lắp ráp còn lớn. Hàng có thương hiệu riêng và xuất khẩu thẳng chưa nhiều. Giá xuất khẩu có thể tiếp tục giảm. Năm 2015, bên cạnh một số mặt hàng đóng góp mức tăng lớn, cũng có một số mặt hàng có mức giảm lớn (trên 500 triệu USD), như dầu thô, thủy sản, cà phê. Địa bàn xuất khẩu vẫn tập trung ở những nơi thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Thị trường xuất khẩu là châu Phi, một số nước Đông Âu còn có quy mô nhỏ. Bên cạnh những thị trường có mức tăng lớn, cũng còn một số thị trường giảm lớn, như Ôxtrâylia, Nhật Bản... Bên cạnh các thị trường xuất siêu lớn, cũng còn một số thị trường nhập siêu lớn và tăng lên, như Trung Quốc (tăng từ 28,7 tỷ USD lên 32,3 tỷ USD), Hàn Quốc (tăng từ 14,5 tỷ USD lên 18,7 tỷ USD), Đài Loan (tăng từ 8 tỷ USD lên 8,2 tỷ USD), Thái Lan (tăng từ 3,2 tỷ USD lên 4,5 tỷ  USD)... Khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu bị giảm (3,5%), tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu giảm (từ 32,6% xuống 29,1%), nhập siêu lớn (10,3 tỷ USD). Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu tăng (13,8%), tỷ trọng tăng (từ 67,4% lên 70,9%), nhập khẩu cũng tăng (16,2%), nhưng xuất siêu vẫn tăng.