Thách thức ở Đông Phương Yên

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mây tre đan (MTĐ) từng là nghề cho thu nhập chính ở Đông Phương Yên. Nhưng hiện nay, trước sức hấp dẫn từ nghề mới đã thu hút một lượng lớn lao động trẻ, đẩy làng nghề đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Chưa liên kết chặt chẽ
Là một xã thuần nông của huyện Chương Mỹ, Đông Phương Yên được nhiều người biết đến với nghề MTĐ có truyền thống hàng trăm năm nay. Cả xã có 7 thôn thì có tới 6 thôn được công nhận là làng nghề truyền thống. Thời kỳ hưng thịnh nhất của làng nghề có tới trên 90% số dân trong xã tham gia. Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, những người thợ ở Đông Phương Yên đã sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm. Từ những đồ dùng trong sinh hoạt như rổ, giá, khay, đĩa… cho tới những sản phẩm lưu niệm như giỏ hoa, lọ lục bình, chao đèn… Mỗi sản phẩm đều thể hiện sự tinh tế trong từng đường đan rất cầu kỳ và tỉ mỉ.
Tuy nhiên, mấy năm nay, hoạt động của làng nghề giảm sút đáng kể, lao động trẻ lần lượt bỏ vào làm việc tại các khu công nghiệp với mức lương hấp dẫn. Toàn xã chỉ còn khoảng 25% số dân tham gia vào nghề MTĐ, chủ yếu là người già và em nhỏ, khiến cho hoạt động xuất khẩu hàng của các DN gặp khá nhiều khó khăn.

Bà Phạm Thị Hiền đang chẻ nan tại gia đình.

Trong khoảng sân nhỏ nhà bà Phạm Thị Hiền, thôn Lũng Vị, có tới gần chục phụ nữ trên 50 tuổi vừa chẻ nan, vừa chuyện trò rôm rả, xung quanh là những đứa trẻ đang nô đùa. Hỏi chuyện mới biết, họ là những phụ nữ quanh xóm, tranh thủ vừa trông cháu vừa chẻ nan để kiếm thêm thu nhập. "Làm nghề MTĐ thu nhập chẳng đáng là bao, như chúng tôi làm mỗi người chỉ được vài chục nghìn một ngày. Trong khi làm công nhân có thể thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng, vì vậy thanh niên ở làng này giờ không còn mặn mà với nghề nữa", bà Hiền cho biết. Không những thu nhập thấp mà nghề cũng bấp bênh, không phải lúc nào cũng có việc để làm.
Tìm hiểu được biết, hiện nay, ngoài mẫu mã và chất lượng mà DN yêu cầu, còn lại giữa DN và người dân hoàn toàn không có quy định hay cam kết nào về số lượng sản phẩm. Chính vì vậy dẫn tới tình trạng có thời điểm người dân không có việc để làm, nhưng cũng có lúc DN phải hủy đơn do không đủ lượng hàng giao. Thu nhập thấp và bấp bênh là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không thể gắn bó lâu dài với nghề.
Cần được quan tâm đầu tư
Phó Chủ tịch UBND xã Đông Phương Yên Phạm Văn Quyền cho biết: Hiện nay, ở địa phương có 4 DN xuất khẩu hàng MTĐ ra nước ngoài. Họ đứng ra thu mua sản phẩm thô của bà con về xử lý, gia công lại, sau đó mới xuất khẩu. Do người dân làm tự do ở gia đình nên rất khó quản lý được khối lượng hàng hóa. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của các DN thường không được đảm bảo.
Ngoài ra, môi trường làng nghề cũng đang là một bài toán nan giải mà chính quyền đang tập trung giải quyết. Thực tế, trong quá trình gia công mặt hàng MTĐ, người sản xuất phải sử dụng một số loại hóa chất để tẩy trắng, nhuộm màu, bảo quản sản phẩm như lưu huỳnh, sơn màu, chất tẩy… Những loại hóa chất này rất độc hại với người sản xuất và gây ô nhiễm môi trường không khí, nước. Do thiếu kinh phí nên các cơ sở sản xuất chỉ xử lý lượng nước thải này bằng phương pháp thủ công, sau đó xả trực tiếp ra môi trường.
Đại diện lãnh đạo địa phương kiến nghị, để làng nghề phát triển ổn định và hiệu quả hơn, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại, đồng bộ, nhằm cải thiện môi trường làng nghề. Đồng thời, hỗ trợ việc xây dựng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, thu hút thêm khách hàng đến với làng nghề.
Để khuyến khích người dân bám trụ với nghề, xã thường xuyên mở các lớp đào tạo dạy nghề, nhân cấy nghề, hướng người dân làm nghề chuyên nghiệp hơn.
            

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần