Thách thức song hành tăng trưởng

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng trưởng GDP có dấu hiệu khởi sắc, song để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% như đã đề ra, 6 tháng cuối năm, GDP phải tăng ít nhất 7,4%.

Đây là một thách thức đối với nền kinh tế, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước.

GDP quý II khởi sắc hơn

Báo cáo của Tổng cục Thống kê tại cuộc họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 (ngày 29/6) cho thấy, 2 quý đầu năm nay, GDP tăng 5,73%. Nền kinh tế quý II đã khởi sắc hơn quý I: GDP quý I tăng 5,15% sang quý II đã tăng lên 6,17%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,18%, đóng góp 2 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng qua, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay: "Tăng trưởng có dấu hiệu khởi sắc và bứt phá trong quý II. Mức bứt phá này cao nhất kể từ năm 2011 đến nay. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng rất tốt". Theo đó, từ năm 2011 đến nay, mức chênh lệch tăng trưởng kinh tế giữa quý I và quý II trung bình chỉ là 0,3 điểm phần trăm. Tuy nhiên, năm nay là hơn 1 điểm phần trăm. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2016 là: 15,72%; 32,98%; 41,0%; 10,30%).

Mặc dù tăng trưởng có khởi sắc, nhưng theo ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm nay là 6,7% như đã đề ra, GDP 6 tháng cuối năm phải tăng ít nhất 7,4%. Trong lịch sử nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 7,4% trong 6 tháng cuối năm là điều chưa từng có. “Đây là thách thức với nền kinh tế, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và người dân thì mục tiêu GDP 6,7% là có thể lạc quan” - ông Tuyến nhận định.

CPI 6 tháng tăng do giá dịch vụ y tế, giáo dục

Lý giải về nguyên nhân đẩy CPI của 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15%, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 23,44%, giá dịch vụ giáo dục tăng 2,07% đã tác động khiến CPI 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Bên cạnh đó, do mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các DN tăng từ ngày 1/1/2017, nên giá một số loại dịch vụ như: Dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 3 - 8% so với cùng kỳ năm trước.

Các yếu tố thị trường cũng tác động không nhỏ làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, giá các mặt hàng đồ uống và thuốc lá, quần áo may sẵn tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán; giá gas sinh hoạt được điều chỉnh theo giá gas thế giới; tăng giá nhiên liệu thế giới; nhu cầu du lịch vào các dịp lễ tăng cao; nhiều mặt hàng thiết yếu tăng giá trở lại như chất đốt, sắt thép…

Tuy nhiên, tính riêng chỉ số giá tháng 6/2017 lại giảm 0,17% so với tháng trước, trong đó 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm giao thông, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm bưu chính viễn thông. Các nhóm hàng hóa và dịch vụ còn lại có chỉ số giá tăng: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, giày dép, mũ nón, hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm, có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như: Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp mức giảm CPI chung 0,39%. Giá thịt lợn giảm 23,2% do nguồn cung dồi dào và nhiều tháng qua thương lái Trung Quốc hạn chế thu mua.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý gồm giáo dục và y tế) tháng 6 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2017, lạm phát cơ bản là 1,52%, thấp hơn mức kế hoạch 1,6 - 1,8% cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần