Thái Lan: Thành lập chính phủ mới gặp nhiều khó khăn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) vừa ra quyết định sẽ xúc tiến các cáo buộc đối với 308 hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ bị tố cáo có những hành vi sai phạm liên quan tới việc sửa đổi hiến pháp để Thượng viện cũng trở thành cơ quan dân cử.

Quyết định này đang tạo ra một dấu hỏi lớn rằng chuyện gì có thể sẽ xảy ra và liệu nó sẽ ảnh hưởng thế nào tới cuộc bầu cử ngày 2/2 tới bởi đa phần số nghị sỹ này đều sẽ tranh cử.

Trường hợp bị kết tội, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng tới việc thành lập một chính phủ mới sau bầu cử bởi sẽ không có đủ số nghị sỹ cần thiết để triệu tập phiên họp đầu tiên.
Quốc hội Thái Lan.
Quốc hội Thái Lan.
Theo luật định Hạ viện mới sẽ phải triệu tập phiên họp đầu tiên gồm 95% trong tổng số 500 nghị sỹ (khoảng 475 nghị sỹ) để bầu ra Thủ tướng mới.

NACC là cơ quan có chức năng điều tra các cáo buộc về lạm dụng quyền lực tại Thái Lan. Qua điều tra sơ bộ, NACC nói rằng 308 nghị sỹ nói trên bị cho là vi phạm luật pháp vì tham gia soạn thảo và đề xuất điều khoản sửa đổi hiến pháp để biến Thượng viện thành cơ quan được bầu cử hoàn toàn. Tuy nhiên, Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và 72 nghị sỹ khác không bị cáo buộc liên quan tới sửa đổi này.

Trường hợp NACC đưa ra được những bằng chứng xác thực, họ sẽ đệ trình cáo buộc lên Thượng viện, cơ quan có thẩm quyền ban hành lệnh cấm các nghị sỹ bị cáo buộc này tham gia chính trường trong vòng năm năm.

Tòa án hiến pháp cũng từng ra phán quyết rằng đề xuất sửa đổi hiến pháp trên là vi phạm điều 68, quy định cấm lợi dụng quyền lực để lật đổ chế độ quân chủ lập hiến.

Dựa trên phán quyết này, NACC đã lập luận rằng 308 nghị sỹ nói trên phải hiểu rằng dự thảo đó là giả mạo và họ phải có trách nhiệm hành động. Tuy nhiên, họ đã không làm.

Quyết định của NACC được đưa ra trong lúc Phòng trào biểu tình chống chính phủ đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc "tổng tấn công" đóng cửa Bangkok trong 20, từ ngày 13/1, nhằm ngăn cản tổng tuyển cử diễn ra.

Mục tiêu của người biểu tình là buộc Thủ tướng từ chức tạm quyền đề họ thành lập một Hội đồng nhân dân cải cách đất nước rồi mới tiến hành bầu cử và họ thề đạt mục tiêu đó bằng mọi giá.

Ủy ban bầu cử Thái Lan ngày 10/1 đã hối thúc chính phủ xem xét hủy cuộc bầu cử ngày 2/2 vì kết quả sẽ không hội đủ số nghị sỹ cần thiết để triệu tập phiên họp đầu tiên. Các thành viên Ủy ban bầu cử đã gợi ý cho Thủ tướng Yingluck sử dụng quyền để đề nghị Nhà Vua ra sắc lệnh hoãn bầu cử.

Ủy ban bầu cử cho rằng hiện có 28 khu vực bầu cử không thực hiện được việc đăng ký bởi sự ngăn cản của người biểu tình. Ngoài ra, còn có 22 khu vực bầu cử chỉ có một ứng cử viên.

Hiến pháp quy định rằng trong phiên họp đầu tiên của Hạ viện sau bầu cử, số nghị sỹ vắng mặt sẽ không được vượt quá 25 người. Với 28 khu vực không có bầu cử, thì cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 nếu diễn ra sẽ là sự lãng phí thời gian và ngân quỹ.

Ngoài ra, còn có thêm khả năng xảy ra một cuộc đảo chính tư pháp bởi quyết định xúc tiến cáo buộc của NACC cũng nhằm vào hàng loạt ủy viên chấp hành của đảng Vì Thái Lan.

Theo quy định, khi các ủy viên chấp hành của đảng đó cố tình vi phạm luật pháp, ngoài việc bản thân họ bị cấm hoạt động chính trị thì đảng đó còn bị giải thể.

Có thể những kịch bản của những năm 2007 và 2008 sẽ xảy ra khi hai đảng tiền thân của đảng Vì Thái Lan là Người Thái yêu người Thái và Quyền lực nhân dân đều bị giải tán vì những lý do này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần