Thái Nguyên: quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8
Kinhtedothi - Ngày 13/7/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát tại 37 xã, phường khu vực phía Bắc sau sáp nhập tỉnh.
Tình hình phát triển kinh tế - xã hội cơ bản duy trì ổn định
Tham dự hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đinh Quang Tuyên; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và 37 xã, phường được sắp xếp sau sáp nhập địa giới hành chính khu vực phía Bắc tỉnh Thái Nguyên.
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các xã, phường khu vực phía Bắc tỉnh cơ bản duy trì ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,91%; nhiều chỉ tiêu như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước tăng cao so với cùng kỳ, thành lập mới 79 DN và 14 hợp tác xã. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 245 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Năm 2025, toàn khu vực phía Bắc có 4.979 hộ thuộc diện hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà ở. Đến ngày 8/7/2025, đã có 2.174 hộ hoàn thành xây mới và sửa chữa, 1.996 hộ đang thi công, đạt 83,8% kế hoạch. Hiện các địa phương đã thành lập đầy đủ Ban Chỉ đạo cấp xã, phân công trách nhiệm, tăng cường tuyên truyền vận động; do một số địa bàn có địa hình phức tạp, giao thông khó khăn... nên tiến độ xây dựng còn chậm.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương phản ánh nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của các tuyến đường trục chính như ĐT252B, ĐT257B, ĐT258B và các tuyến đường liên thôn. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều trở ngại do thiếu quỹ đất tái định cư, chưa thống nhất phương án đền bù. Trong lĩnh vực tổ chức bộ máy, nhiều xã thiếu biên chế, thiếu cán bộ chuyên ngành tài chính - kế toán, công nghệ thông tin; việc sắp xếp cán bộ không chuyên trách, bổ nhiệm lãnh đạo phòng chuyên môn còn lúng túng. Đối với công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, việc huy động nguồn lực còn hạn chế. Một số hộ thuộc diện hỗ trợ gặp khó khăn về kinh tế nên thiếu kinh phí đối ứng, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng...

Xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tổ 9, xã Na Rì.
Ảnh: Vũ Hoàng Giang

Xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tổ 9, xã Na Rì.
Ảnh: Vũ Hoàng GiangNhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho biết, đây là hội nghị làm việc toàn thể đầu tiên giữa UBND tỉnh với các xã, phường khu vực phía Bắc sau ngày hợp nhất tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Hội nghị được tổ chức để lãnh đạo tỉnh trực tiếp lắng nghe tình hình thực tế ở cơ sở, qua đó nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp cũng như trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ tỉnh Thái Nguyên ưu tiên hàng đầu, trong quá trình thực hiện, tỉnh đã thành lập 16 đoàn công tác trực tiếp về cơ sở để chỉ đạo rà soát, lập danh sách và xây dựng phương án hỗ trợ.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho người có công trước ngày 25/7 và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo tại các xã, phường khu vực phía Bắc xong trước ngày 25/8.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Hoàng Sơn nhấn mạnh giai đoạn sau sáp nhập đơn vị hành chính đặt ra nhiều thách thức trong việc vận hành mô hình chính quyền mới, yêu cầu các cấp, ngành phải phát huy cao độ tinh thần nêu gương, trách nhiệm và đồng lòng vì mục tiêu chung.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành phối hợp, rà soát trụ sở, điều chuyển máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, chuẩn bị tốt cho năm học mới, không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất thiết yếu. Trước mắt cần tập trung chuẩn bị chu đáo cho các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm lo người có công và các gia đình chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương tập trung cao độ cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, đảm bảo xây dựng hệ thống chỉ tiêu phát triển sát thực tiễn, phù hợp đặc thù từng địa phương. Trong phát triển kinh tế - xã hội, cần đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ưu tiên các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực phía Bắc của tỉnh trong giai đoạn tới.
Về nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát được xác định là ưu tiên cấp bách và là trách nhiệm chính trị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương hoàn thành đúng tiến độ, nhất là đối với các gia đình người có công với cách mạng.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31/8/2025, tỉnh sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn lực, đồng thời yêu cầu các địa phương huy động lực lượng Công an, quân sự tham gia hỗ trợ người dân.

Ngành điện miền Nam: Hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại Cần Thơ
Kinhtedothi - Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Công ty Điện lực TP Cần Thơ phối hợp Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức lễ bàn giao nhà cho các hộ dân trên địa bàn xã Đông Thuận, hưởng ứng Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát do Chính phủ phát động.

Thủ tướng: Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 27/7
Trưa 9/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì phiên họp thứ 6 của Ban Chỉ đạo.

Sóc Trăng: “về đích sớm” xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo
Kinhtedothi - Ngày 29/6, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Lễ tổng kết chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh (chương trình).