Thái Nguyên phải trở thành một tỉnh giàu có, phồn thịnh như mong ước của Bác Hồ

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là sự tin tưởng của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vào tương lai của Thái Nguyên, mảnh đất đã có truyền thống cách mạng vẻ vang.

Tối 19/5, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức long trọng Lễ Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2017) và kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017).
Tham dự buổi Lễ có bà Tòng Thị Phóng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ... cũng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Vũ Hồng Bắc Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc, Thái Nguyên được chọn làm an toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước.
 Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội vùng Việt Bắc
Chính tại nơi đây, Bác Hồ cùng Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đặt đại bản doanh để lãnh đạo kháng chiến, nhiều quyết định quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc đã ra đời tại ATK Định Hóa, như Chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp", Chiến dịch Thu - Đông 1947, quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950, Chiến dịch Hòa Bình năm 1952...
Đặc biệt là ngày 6/12/1953 tại Lán Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận đánh, quyết chiến, quyết thắng, kết thúc 9 năm trường kháng chiến Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiện nay, ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng với 130 điểm di tích được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20 và an toàn khu đã vinh dự được Nhà nước đã xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.
Phát huy truyền thống quê hương cách mạng - "Thủ đô gió ngàn" năm xưa, Thái Nguyên hôm nay đang từng bước chuyển mình, khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - chính trị - xã hội vùng Việt Bắc. Thu ngân sách năm 2016 đạt trên 9.600 tỷ đồng (phấn đấu đến năm 2018, tỉnh Thái Nguyên tự cân đối thu - chi về ngân sách); thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng (cao hơn mức bình quân chung của cả nước); giá trị xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD (đứng thứ 3 toàn quốc); chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ 7 cả nước. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được gần một nghìn dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng số vốn đăng ký hàng chục tỷ USD.
Trong lĩnh vực kinh tế, với lợi thế là "cái nôi" của ngành luyện kim Việt Nam, Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của công nghiệp gang thép, fero măng gan, chì, kẽm... ông Vũ Hồng Bắc khẳng định.
Chia sẻ tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hoá lãnh đạo cuộc kháng chiến là dịp để ôn lại và tăng thêm lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, nhân dân ta, của Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên; đồng thời để củng cố, tăng thêm niềm tin, quyết tâm kế thừa và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ cách mạng mới.
 Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng: Thái Nguyên cần phát triển kinh tế song song với chăm lo cho đời sống người dân
Trong thời gian tới Thái Nguyên cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thái Nguyên cũng cần phát huy hơn nữa tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo môi trường và động lực mới cho phát triển; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi lao động nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…, bà Tòng Thị Phóng đề nghị.
Đi đôi với đó là thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc gia đình chính sách, người có công, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Cũng như tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển du lịch, gắn với bảo vệ, gìn giữ phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
 Hoạt động văn nghệ trong Lễ Kỷ niệm
Phó Chủ tịch Quốc hộ còn nhấn mạnh: Thái Nguyên cũng cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), nhất là Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đổi mới công tác cán bộ, giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên…
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân Thái Nguyên nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tiếp tục có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa Thái Nguyên trở thành một tỉnh giàu có, phồn thịnh như mong ước của Bác Hồ, Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng.