Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải tận dụng cơ hội

Bình An - Kim Dung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hiện nay, trước xu thế hội nhập việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là điều tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp, bởi vì chỉ có tham gia vào chuỗi cung ứng đó thì doanh nghiệp mới tồn tại và phát triển được. Do vậy, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức”.

Đó là ý kiến của GS Arnoud De Meyer - Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore tại Hội thảo “Tự do thương mại - Cơ hội và thách thức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” diễn ra ngày 10/3 tại TP Hồ Chí Minh.
Chuỗi cung ứng là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc chuyển sản phẩm hay dịch vụ đến khách hàng. Hoạt động chuỗi cung ứng liên quan đến chuyển đổi các tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu và các thành phần thành một sản phẩm hoàn chỉnh để phục vụ người tiêu dùng.
  GS Arnoud De Meyer - Chủ tịch ĐH Quản lý Singapore: “Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức”.
Theo GS Arnoud De Meyer “Trước xu thế hội nhập, chuỗi cung ứng toàn cầu đi liền với hợp tác, bởi lẽ mỗi doanh nghiệp có thể đóng góp một số giải pháp sáng tạo nhưng chỉ dựa trên hoàn cảnh cụ thể của mình và chưa đủ để tạo ra một giải pháp sáng tạo phù hợp với mục tiêu chung. Cần có những doanh nghiệp đầu nghành đứng ra thúc đẩy việc hợp tác trong các chương trình hành động. Từ đó, chuỗi cung ứng sẽ hoạt động hiệu quả nhằm phục vụ người tiêu dùng tốt hơn”.
“Chuỗi cung ứng toàn cầu phản ánh xu thế cốt lõi và tất yếu, đó là con người phải hợp tác với nhau nhiều hơn, tin cậy nhau để xây dựng và phát triển. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, lãnh đạo doanh nghiệp là người phải nhìn thấy trước tương lai và dẫn dắt những người xung quanh đi đến tương lai. Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp cần phải tận dụng được cơ hội, hạn chế thách thức”. GS Arnoud De Meyer, cho biết thêm.
“Khi tham gia vào chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó hàng hóa phải rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần ra sao, là điều người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. Nếu doanh nghiêp, nhà sản xuất làm ăn gian dối sẽ bị đào thải. Khi đó thị trường sẽ là sân chơi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, lấy mục tiêu phục vụ người tiêu dùng đặt lên trên hết”. GS Arnoud De Meyer, nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Hàng Việt Nam Chất lượng cao: “Việt Nam là quốc gia xuất khẩu lớn về hàng hóa nông sản, các doanh nghiệp phải ý thức rõ việc đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng đối với các thị trường xuất khẩu. Từ năm 2010, các nhà đánh bắt cá Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc IUU (hệ thống ngăn ngừa và loại trừ nạn đánh bắt cá bất hợp pháp) để có thể xuất khẩu sang thị trường EU. Trước đó, chúng ta đang quen với các tiêu chuẩn về ISO, HACCP hay Global GAP. Còn trong tương lai là những đòi hỏi sẽ ngày càng nghiêm ngặt hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trước xu thế hội nhập”.
Xu hướng đô thị hóa nhanh diễn ra trên thế giới đã làm con người cảm nhận áp lực từ cuộc sống ngột ngạt ở các đô thị lớn như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông đã đòi hỏi nâng cao chất lượng cuộc sống trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa một cách bền vững đang tăng lên nhanh chóng trên thế giới. Từ đó, người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn về vấn đề môi trường và hành động bằng cách hướng tới sử dụng những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc thân thiện với môi trường.
Từ đó, TS Phillip Zerrillo - Chuyên gia tư vấn quy mô toàn cầu ĐH Quản lý Singapore, cho biết: “Các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng phải theo dòng chủ lưu đó để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng với các tiêu chí: An toàn, tiết kiệm, ổn định và thân thiện với môi trường. Tương lai, các chuỗi cung ứng, ngoài việc đáp ứng các mục tiêu hiện tại như: Hàng hóa luôn sẵn có với chi phí thấp nhất và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp; lãnh đạo các chuỗi cung ứng sẽ phải mở rộng mối quan tâm đến các mục tiêu hướng đến phát triển bền vững như: Giảm lượng khí thải CO2, tiết kiệm năng lượng, dễ dàng truy cập nguồn gốc - xuất xứ hàng hóa”.
Rõ ràng, chuỗi cung ứng tương lai được kỳ vọng đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho các nghành công nghiệp, cho từng doanh nghiệp, và cho mọi người tiêu dùng. Mối quan tâm giờ đây là làm sao để triển khai được mô hình chuỗi cung ứng một cách rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, thông tin tiêu dùng được truyền đi liên tục trong chuỗi cung ứng giúp nhà sản xuất nắm bắt chính xác nhu cầu của người tiêu dùng. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu đó sẽ giúp cho hầu hết nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng thấy được đâu là điểm nhấn, điểm chung. 
Vì thế, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu lớn, hầu như tất cả các doanh nghiệp phải hướng tới nếu như muốn hội nhập. Câu chuyện hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo ra những giá trị lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Mục tiêu của doanh nghiệp mỗi khi đặt ra, nếu không thực hiện được thì cần phải xem lại việc tham gia chuỗi cung ứng của doanh nghiệp mình thực hiện được đến đâu.
“Để doanh nghiệp hiểu và tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì trước tiên doanh nghiệp phải giữ được người tiêu dùng qua sản phẩm phục vụ họ, để họ thấy được tính năng, sự tiện dụng của sản phẩm thông minh được quy chuẩn hóa, cũng như cung cấp cho họ càng nhiều thông tin về sản phẩm càng tốt”. TS Phillip Zerrillo, nêu rõ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần