Theo thống kê, mỗi năm trên thế giới có 700.000 người tử vong vì kháng thuốc do kháng kháng sinh. Tại Việt Nam, chưa có thống kê chính thức, nhưng thực tế đau lòng này vẫn diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện (BV).
Ám ảnh bệnh nhân lao
Tại BV Phổi đã từng có câu chuyện, một gia đình nọ có 4 người bị bệnh lao thì có đến 3 trường hợp lao kháng thuốc, người ông đã mất vì lao kháng thuốc, người cha nguy cơ không qua khỏi, người con cũng tiên lượng xấu. Có thể nói, lao kháng thuốc đang là mối lo lớn của toàn xã hội, được ví như cuộc chiến với nhiều thách thức. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình phòng, chống lao quốc gia cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 14 trong số 20 nước có số người mắc bệnh lao cao nhất trên thế giới. Theo thống kê, cứ 100 người mắc bệnh lao thì khoảng 30 người bị lao kháng thuốc, tỷ lệ kháng đa thuốc là khoảng 3%; chi phí điều trị cho trường hợp này cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, nguyên nhân chính của tình trạng này là do chưa quản lý được chặt chẽ các loại thuốc điều trị bệnh lao trôi nổi “vô tội vạ” trên thị trường. Hệ quả của tình trạng này là bệnh nhân lao có thể mua thuốc và tự điều trị không theo phác đồ, không đúng nguyên tắc, dẫn đến bệnh “nhờn thuốc”, phát sinh chủng vi khuẩn kháng đa thuốc. Bên cạnh đó, còn có tình trạng bệnh nhân được BS kê đơn thuốc không đúng, thuốc lao kém chất lượng hoặc do bệnh nhân dùng thuốc không đủ liều, điều trị không đủ thời gian. Những nguyên nhân này khiến bệnh lao kháng thuốc càng có “cơ sở” hình thành và lây lan trong cộng đồng.
Thất bại trong điều trị
Khi đề cập đến tình trạng kháng thuốc, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã phải thốt lên: “Nhiều phụ huynh vô tình làm hại con mình”. Nhiều trẻ không thể cứu vì cách dùng thuốc vô tội vạ của phụ huynh. Hơn 30 năm làm BS nhi khoa, ông đã chứng kiến quá nhiều bệnh nhi “thập tử nhất sinh” vì kháng kháng sinh. Có bé mới chỉ 8 tháng tuổi bị viêm màng não mủ phải trải qua 2 tháng điều trị với các phác đồ kháng sinh liều cao mới thoát khỏi tử thần. Có những em mới chỉ 2 - 3 tuổi, bị viêm phổi nhưng nhiều phen khiến BS suýt phải “bó tay” vì đã phải dùng đến kháng sinh thế hệ 2 - 3 mới qua khỏi. Và ông rất đau lòng khi chứng kiến nhiều bệnh nhi tử vong do kháng kháng sinh, mỗi ca tử vong đều để lại sự ám ảnh khôn cùng của các BS. Cách đây chưa lâu, tại BV Thanh Nhàn cũng có một trường hợp bệnh nhân nữ bị kháng kháng sinh, điều trị không hiệu quả, chuyển lên BV Bạch Mai, tuy nhiên các BS cũng không thể cứu.
Theo Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính, về nguyên tắc, nếu không phải bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn thì không nên dùng kháng sinh. Chỉ dùng kháng sinh khi bị bội nhiễm vi khuẩn nhưng việc sử dụng phải có sự chỉ dẫn và theo dõi chặt chẽ của BS. Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều người lại tự ý sử dụng kháng sinh tràn lan trong chữa bệnh, bất kể loại bệnh gì, nên dẫn tới những hậu quả khôn lường. Ông Kính cho biết, do tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng cao đã làm cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhất là nhiễm trùng huyết bị thất bại, dẫn đến tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn ngày càng gia tăng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các căn bệnh nguy hiểm như lao, sốt rét, nhiễm trùng huyết, tả lỵ... đang bị kháng thuốc rất nghiêm trọng.
Không còn thuốc chữa
Câu chuyện một bệnh nhân nữ ở Mỹ bị phát hiện dương tính với một loại vi khuẩn có khả năng kháng tất cả các loại kháng sinh, thậm chí cả những loại thuốc mạnh nhất cuối cùng mà nhân loại sở hữu đã khiến cả thế giới lo ngại. Và, nguy cơ hết thuốc điều trị là sự thật mà loài người phải đối phó.
Đề cập đến vấn đề kháng kháng sinh, theo BS Dương Đức Hùng - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, việc dùng thuốc kháng sinh, xem kháng sinh chữa được bách bệnh đang quay trở lại “phản bội” loài người. Nhiều người cho rằng việc dùng kháng sinh là chuyện bình thường nhưng hậu quả sẽ rất khác thường. Tại các BV, câu chuyện kháng kháng sinh luôn luôn nóng khi hàng ngày, hàng giờ, nhiều bệnh nhân đối mặt với cái chết mà BS biết bệnh nhưng không thể cứu.
Theo ông Cao Huy Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), thuốc kháng sinh tựa như một phép màu đã mở ra một kỷ nguyên vàng son trong ngành y và dược học. Những viên kháng sinh được coi là thần dược, chúng cứu vớt con người khỏi bàn tay thần chết mỗi khi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, sự lạm dụng thái quá loại thuốc này đang đưa loài người đến thời đại “hậu kháng sinh” khi những loài vi khuẩn đang ngày càng phát triển và thích ứng kháng lại với hơn 100 loại kháng sinh hiện nay. Chỉ một vết xước nhẹ, con người lại có thể mất mạng như xưa.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất toàn cầu, do tình trạng lạm dụng kê đơn và tùy tiện uống thuốc của người dân. Bên cạnh đó, những lỗ hổng trong quản lý dược phẩm đã đẩy Việt Nam rơi vào “vùng trũng” của tình trạng kháng thuốc. Nếu như trên thế giới, đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Còn ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động. Đáng nói là trong khi các quốc gia phát triển đang sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. |
(Còn nữa)