Thẩm tra Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng ĐBQH, UBND, HĐND

D. Tùng (t/h)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Tờ trình về việc xây dựng Đề án thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng do Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng ban soạn thảo trình bày khẳng định: Việc hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh nhằm thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả của việc thí điểm hợp nhất các văn phòng tại một số địa phương sẽ là cơ sở để đánh giá, tổng kết trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật về tổ chức bộ máy và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18/NQ/TW về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 

Trưởng ban soạn thảo Đề án Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Về tên gọi, Đề án đưa ra 3 phương án, sau khi phân tích ưu điểm và hạn chế của từng phương án, trên cơ sở tham gia ý kiến đóng góp của các đại biểu, ban soạn thảo đề xuất tên gọi là “Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương”, nhằm đảm bảo đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng của các chủ thể. Nhiệm vụ cơ bản của Văn phòng kết hợp giữa nhiệm vụ của 3 văn phòng hiện hành nhưng theo hướng tập trung vào chức năng tham mưu, tổng hợp, phục vụ. Còn nhiệm vụ giúp UBND thực hiện quản lý nhà nước mà Văn phòng UBND đảm nhiệm trước đây đề nghị chuyển giao về các cơ sở chuyên môn của UBND.

Về cơ cấu tổ chức, biên chế của Văn phòng, Đề án đề xuất Văn phòng có 1 Chánh Văn phòng và không quá 4 Phó Chánh Văn phòng (riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không quá 5 Phó Chánh Văn phòng). Tổng biên chế của mỗi Văn phòng chung không vượt quá tổng số biên chế hiện có của 3 văn phòng trước khi hợp nhất và không bao gồm ĐBQH hoạt động chuyên trách, đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, lãnh đạo UBND. Văn phòng chung làm việc theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với chế độ chuyên viên. Văn phòng chung tương đối độc lập trong công tác tham mưu phục vụ hoạt động của từng chủ thể là Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND để tránh tình trạng vừa tham mưu triển khai thực hiện, vừa tham mưu giám sát việc triển khai thực hiện cùng một nội dung.

Thảo luận về Tờ trình của Đề án, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành đề án nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng về thực hiện hợp nhất Văn phòng HĐND, Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng UBND cấp tỉnh thành một Văn phòng tham mưu giúp việc chung.

Cho ý kiến về nhiệm vụ quyền hạn của Văn phòng chung, Đề án nêu 15 nhóm nhiệm vụ cơ bản trên cơ sở kết hợp các nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành của 3 văn phòng, tuy nhiên có ý kiến đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát, loại bỏ các nhiệm vụ mang tính tham mưu chuyên sâu về chuyên môn của UBND để chuyển giao cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thực hiện. Việc phân định này nhằm đảm bảo Văn phòng chung thực hiện đúng chức năng, vị trí đã được xác định là cơ quan tham mưu tổng hợp. Ngoài ra, đối với một số nhiệm vụ quản lý nhà nước có tính đặc thù đang được giao cho Văn phòng UBND thực hiện theo quy định hiện hành thì cần giao cho Chính phủ hướng dẫn việc chuyển giao nhiệm vụ này cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND.

Về thời gian và phạm vi thực hiện Đề án, một số đại biểu đồng tình với việc thực hiện thí điểm trong thời gian 1 năm, từ 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019 tại 10 tỉnh, TP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định cứng thời gian triển khai thí điểm mà có thể thí điểm cho đến khi Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình thí điểm, cần tổ chức tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm làm cơ sở để sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan.

Tiếp thu giải trình ý kiến các thành viên Ủy ban pháp luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng ban soạn thảo đề án ghi nhận những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội; khẳng định, việc sát nhập các văn phòng là cần thiết, tuy nhiên, trong quá trình thí điểm nếu thấy phù hợp thì nhân rộng, nếu còn tồn tại, bất cập sẽ báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến.

Đối với ý kiến góp ý về vị trí, chức năng của Văn phòng chung, một số ý kiến cho rằng, ngoài chức năng tham mưu, tổng hợp thì nên có chức năng là cơ quan chuyên môn. Tuy nhiên, Trưởng ban soạn thảo Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, Văn phòng chung có chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh tại địa phương. Đây là cơ quan tương đương cấp sở tại địa phương, trực thuộc UBND nhưng không phải là cơ quan chuyên môn. Việc quy định Văn phòng không phải là cơ quan chuyên môn với mục tiêu tinh gọn bộ máy tổ chức.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu của ban soạn thảo. Hồ sơ của Đề án đầy đủ, ban soạn thảo đã tổ chức hội nghị hội thảo ở địa phương ở 3 vùng, tổ chức lấy ý kiến Chính phủ, tham vấn ý kiến chuyên gia để xây dựng và hoàn thiện Đề án. Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng ý và thống nhất Đề án đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và ban hành Nghị quyết thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần