Thăm Triều Tiên, ông Tập muốn nhắn nhủ Mỹ điều gì?

Tú Anh (Theo Nikkei)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm Triều Tiên bất ngờ của ông Tập Cận Bình được cho là gửi thông điệp ngầm tới Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Triều Tiên trong tuần này, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20. 

Chuyến đi kéo dài hai ngày kết thúc hôm 21/6 sẽ là chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc kể từ năm 2005. Bắc Kinh đã ngừng các chuyến thăm cấp cao nhất tới Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.  Chuyến thăm của ông Tập thể hiện sự ủng hộ mới của Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán về phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Trong khi Washington tìm kiếm một thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên muốn có một cách tiếp cận theo từng bước.

 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Kể từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hồi tháng 2 tại Việt Nam không ra được tuyên bố chung, Triều Tiên đã thúc ép Mỹ phải nhượng bộ, trong khi Washington khăng khăng duy trì các biện pháp trừng phạt.

Bằng cách gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 vào tuần tới, nơi hai lãnh đạo Mỹ-Trung có thể gặp gỡ bên lề, nhà lãnh đạo Triều Tiên hy vọng sẽ truyền đạt mong muốn nối lại đàm phán với Washington. Ông Kim tuần trước cũng đã gửi một lá thư cho ông Trump, một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng háo hức với hoạt động ngoại giao cấp cao nhất, dù nội dung thư không được tiết lộ.

Ông Trump cũng chuẩn bị tới Seoul trước hoặc sau cuộc họp G20 tại Osaka. Cùng lúc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đang kêu gọi một hội nghị thượng đỉnh liên Triều.

Cuộc gặp của ông Kim với ông Tập cũng như với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Vladivostok hồi tháng 4 cho thấy Triều Tiên đang tìm kiếm hỗ trợ của hai cường quốc này chống lại sự “cô lập” của Mỹ.

Về phía Trung Quốc, chuyến thăm bất ngờ tới Bình Nhưỡng diễn ra khi Bắc Kinh tìm cách chống lại sự can thiệp của Mỹ vào một vấn đề tế nhị khác, đó là dự luật Hồng Kông hiện đang gây tranh cãi, theo cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục.

Giới phân tích cũng cho rằng Trung Quốc có thể cố gắng sử dụng Triều Tiên làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mỹ về các vấn đề chính đang chờ xử lý. Hai nền kinh tế lớn đang bế tắc trong cuộc chiến thương mại kéo dài và khác biệt trong vấn đề Biển Đông. Theo truyền thông nhà nước, chuyến thăm Triều Tiên của Chủ tịch Trung Quốc cũng nhằm đánh dấu năm 2019 kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh từng gặp sóng gió trong những năm đầu cầm quyền của lãnh đạo Kim Jong-un, khi Triều Tiên thực hiện một loạt các vụ thử hạt nhân và tên lửa bất chấp cảnh báo từ Trung Quốc. Trong một động thái hắt hủi, ông Tập từng phá vỡ hàng thập kỷ truyền thống và đến thăm Hàn Quốc trước mà không đến thăm Triều Tiên, một hành động mà chưa từng có Chủ tịch Trung Quốc nào từng làm.