Thăm trường Hồ Chí Minh ở Ulan Bator

Lê Chiên (từ Ulan Bator)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi lần đi qua Trường Phổ thông số 14, nhìn thấy tượng Bác Hồ và dòng chữ Hồ Chí Minh trên biển hiệu tên trường, chẳng riêng gì tôi, mà hết thảy những người Việt ở Mông Cổ đều bồi hồi xúc động. Chẳng ai giấu được nỗi niềm tự đáy lòng về cảm giác như rất gần gũi với quê hương Việt Nam

Trường Phổ thông số 14 là một trong những trường đầu tiên của Thủ đô Ulan Bator. Cái tên “số 14” chỉ là của những tháng năm đầu tiên, bởi dịp kỷ niệm 90 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 14/5/1980, Ban chấp hành T.Ư Đảng Nhân dân cách mạng Mông Cổ đã đồng ý cho ngôi trường này mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vinh dự và tự hào

Cảm giác gần gũi và ăm ắp tự hào hiển hiện ngay trong trái tim tôi khi đặt chân đến Ulan Bator. Bởi nơi đầu tiên mà Nguyễn Văn Quỳnh - sinh viên Việt Nam đang học thạc sĩ Đại học Quốc gia Mông Cổ, đồng thời làm phiên dịch tiếng Mông Cổ cho Đại sứ quán Việt nam (ĐSQ), đưa tôi đến thăm là trường Hồ Chí Minh. Bà Hiệu trưởng Vaandad Tsetsgee niềm nở đón tiếp rồi đưa tôi đi thăm từng phòng. Chợt hiểu Bác Hồ trong trái tim người Mông Cổ cũng thật thiêng liêng khi bà Vaandad Tsetsgee “khoe” về ngôi trường mang tên Người: Năm 2013, trường được TP Ulanbator đầu tư tương đương khoảng 100 tỷ đồng Việt Nam để cải tạo, xây dựng mới, hiện đang bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng. Dừng chân tại một căn phòng ở vị trí trung tâm tầng 3, bà chỉ vào tấm biển đề chữ Hồ Chí Minh nói: “Đây là phòng truyền thống, tượng Bác Hồ sẽ được đặt ở nơi trang trọng nhất. Bên cạnh đó sẽ treo tranh và lưu giữ tài liệu nói về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ; về đất nước, con người Việt Nam”.

Đại sứ Đoàn Thị Hương (thứ 6 từ trái sang) dự lễ cắt băng khánh thành trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Chiên

Ngắm căn phòng, tôi không khỏi ngỡ ngàng, xúc động. Ở nước bạn, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn mà nhà trường dành hẳn căn phòng gần 100m2 để giới thiệu về Bác Hồ, phong cảnh đất nước, con người Việt Nam. Thế mới thấy sự trân trọng, yêu quý của người Mông Cổ đối với Bác, với dân tộc Việt Nam tuyệt vời thế nào. Bà Vaandad Tsetsgee tâm sự, giờ có căn phòng này, trường sẽ có điều kiện tổ chức nhiều hơn các hoạt động học tập, tìm hiểu về Bác Hồ, về đất nước Việt Nam…

Nụ cười tươi mãn nguyện trên môi, bà Vaandad Tsetsgee chỉ vào mấy tấm ảnh Bác Hồ khoe: “Những bức ảnh này đều do các em học sinh của trường sưu tầm”. Rồi chỉ bức tranh vẽ bằng bút màu, trong đó lá cờ đỏ sao vàng nổi bật trên nền cánh đồng lúa chín vàng, bà bảo đây là Việt Nam qua trí tưởng tượng của học sinh. Bà còn hỏi tôi: “Có đúng đây là Việt Nam?”. Tôi không biết các thầy cô giáo ở đây đã nói với học sinh của mình những gì về đất nước, con người Việt Nam, nhưng tôi thấy hiển hiện trong bức tranh ấy một ngôi làng ven biển Nam Định quê mình. Nỗi nhớ quê trào lên trong lòng thật khó diễn tả...
 Bà Hiệu trưởng Vaandad Tsetsgee giới thiệu với tác giả về bức tranh phong cảnh Việt Nam trong phòng truyền thống của nhà trường.
Tôi hỏi bà Vaandad Tsetsgee: “Đặt tên phòng là Hồ Chí Minh, trường muốn chuyển đến học trò của mình thông điệp gì?”. Giọng nói đầy xúc động, bà thành thật, chưa được gặp Bác Hồ nhưng qua sách, báo, thấy Bác là con người vĩ đại. Sự hy sinh cho đất nước, tình yêu thương dành cho người dân và phong cách giản dị của Bác Hồ là phẩm chất cao quý mà mọi người phải học tập. Vì lẽ đó, hàng năm ở ngôi trường này đều tổ chức cho học sinh thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chủ tịch, về đất nước, con người Việt Nam và lấy ngày sinh của Bác (19/5) tổ chức lễ tốt nghiệp cho học sinh. Việc làm này không chỉ thể hiện tình hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, mà còn là mong muốn các thế hệ học trò học ở Bác Hồ nhân cách cao quý đó để trở thành người tốt, phụng sự cho đất nước. “Tôi và các đồng nghiệp của mình, đặc biệt là các cháu học sinh rất tự hào, vinh dự được làm việc, học tập trong ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh” - bà Vaandad Tsetsgee nói.

“Tôn sư, trọng đạo” - nét tương đồng

Ngoài bảng hiệu của trường được đắp nổi ở vị trí trung tâm cao nhất tòa nhà với nội dung: “Trường thực nghiệm quốc gia hàng đầu số 14 mang tên Hồ Chí Minh”, tôi ấn tượng với những hàng chữ được in trên các cánh cửa kính trước cửa tòa nhà. Bà Vaandad Tsetsgee giải thích đây là các câu đối được viết bằng chữ cổ của Mông Cổ để răn dạy, khuyến khích việc học tập của người dân xưa.

Để chuẩn xác và hiểu được đầy đủ ý nghĩa của những câu đối ấy có lẽ cần có chuyên gia ngôn ngữ, nhưng qua những gì mà Quỳnh dịch lại thì tôi hiểu phần nào: “Sách vở là báu vật - Thầy giáo là người đáng kính trọng”; “Muốn biết tương lai thì phải học quá khứ - Phải cố gắng học hành để vươn tới thành công”;... Như một phản xạ tự nhiên, mỗi câu Quỳnh dịch, tôi lại bật ra một câu tương tự của Việt Nam: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”; “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/Gắng công mà học có ngày thành danh”; “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”;… Quỳnh cười: “Cũng same same như thế”. Quỳnh cũng cho biết, học ở Mông Cổ gần 8 năm, thấy triết lý, đạo đức về giáo dục của Mông Cổ có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Đặc biệt là sự hiếu học và truyền thống “tôn sư, trọng đạo”. Có lẽ vì thế nên người Mông Cổ rất quý người Việt…

Chương trình văn nghệ trong lễ cắt băng khánh thành trường Hồ Chí Minh.  Ảnh: Lê Chiên

Bà Vaandad Tsetsgee cho biết, trước năm 1980, trường Hồ Chí Minh được gọi là trường Phổ thông số 14. Nhiều lãnh đạo cấp cao của Mông Cổ đã trưởng thành từ ngôi trường này. Lịch sử ngôi trường tựa như trường Bưởi của Hà Nội trước đây (nay là trường THPT Chu Văn An), có thể vì thế mà năm 1960, trường đã kết nghĩa với trường Chu Văn An. Hiện giờ, trường có gần 200 giáo viên, nhân viên với trên 3.000 học sinh ở cả 3 cấp học.

Ngày 21/9 vừa qua, ngôi trường mang tên Bác trên đất Ulan Bator này đã cắt băng khánh thành sau khi được đầu tư xây dựng lại, tôi vinh dự được tham gia buổi lễ xúc động ấy. Trước rất nhiều quan khách của Nhà nước Mông Cổ, đại biểu các đoàn ngoại giao, học sinh và phụ huynh, bà Hiệu trưởng liên tục nhắc đến Hồ Chí Minh, Việt Nam đầy trân trọng trong bài phát biểu của mình. Bà nói ngôi trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với ĐSQ Việt Nam trong nhiều năm qua là biểu hiện sinh động của tình hợp tác hữu nghị giữa Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam - Mông Cổ. Bà mong trường Hồ Chí Minh mãi mãi tỏa sáng… Mong mỏi ấy đâu phải chỉ riêng của người Mông Cổ, mà là cả sự hãnh diện của người Việt Nam.

Sau lễ khánh thành, Hiệu trưởng đã có buổi làm việc riêng với lãnh đạo ĐSQ Việt Nam để bàn việc đặt lại bức tượng đồng của Bác Hồ (do Nhà nước Việt Nam cấp kinh phí xây dựng từ năm 2009). Bà Hiệu trưởng chia sẻ với Đại sứ Đoàn Thị Hương: Tôi mong muốn tượng Bác Hồ được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên trường, để mỗi buổi chào cờ và hàng ngày giáo viên và học sinh được nhìn thấy Bác.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần