Tham vọng lớn của CEO Joolux

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ý tưởng xây dựng một sàn thương mại điện tử chia sẻ đồ hiệu đã qua sử dụng, Tạ Xuân Hiển – CEO dự án Joolux đã giải quyết được bài toán của những người đam mê đồ hiệu ở Việt Nam. Hiện Joolux đã trở thành hệ sinh thái dành cho cộng đồng những người chơi hàng hiệu tại Việt Nam.

Lựa chọn khôn ngoan
Từng có 14 năm làm việc trong ngành xây dựng và lấy bằng Tiến sĩ tại Mỹ, Tạ Xuân Hiển vẫn quyết định vượt ra khỏi vòng an toàn và thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới. Năm 2016, anh từ Mỹ trở về Việt Nam xây dựng một nền tảng đấu giá trực tuyến với tên gọi Bidy.vn. “Ý tưởng này xuất phát từ lúc tôi còn học ở Mỹ và rất mê mô hình đấu giá trực tuyến của eBay. Do đó tôi quyết định phát triển ở thị trường Việt Nam” - anh Hiển cho biết.
 Tạ Xuân Hiển đang thuyết trình kêu gọi đầu tư vốn cho dự án. Ảnh: Phương Nga
Sau hơn một năm vận hành, nhận thấy tiềm năng thị trường của phân khúc này nhỏ và kén khách hàng, nhưng ngược lại thị trường hàng hiệu đã qua sử dụng lại có tiềm năng lớn, Hiển đã nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh sang xây dựng nền tảng chia sẻ hàng hiệu đã qua sử dụng với tên gọi Joolux (hành trình hàng hiệu). Nền tảng hoạt động theo mô hình sàn giao dịch – nơi người bán và người mua trực tiếp trao đổi, giao dịch đồ hiệu đã qua sử dụng qua trang Joolux.com.
Chia sẻ về chiến lược chọn phân khúc hàng hiệu đã qua sử dụng, anh Hiển cho biết: Thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam đã đạt doanh thu hơn 8 tỷ USD/năm và là sân chơi của rất nhiều ông lớn. Vì vậy, đây không còn là mảnh đất để các startup đặt vấn đề nhảy thẳng vào thị trường để cạnh tranh trực tiếp với các DN đầu ngành, mà phải biết chọn những ngách thị trường hẹp hơn để thử sức.
Đặc biệt, tại Việt Nam chưa có một nền tảng chính thức nào về chia sẻ đồ hiệu đã qua sử dụng. Trong khi đó, nhu cầu mua sắm hàng hiệu ở Việt Nam rơi vào khoảng 1 tỷ USD/năm, đây sẽ là lượng hàng tiềm năng mà Joolux hướng tới. Mặt khác, khách hàng là tầng lớp trung lưu ở Việt Nam rất đông và đang có nhu cầu về hàng hiệu rất lớn.
Thay vì phải mua một sản phẩm hàng hiệu với khoản tiền lớn, họ có thể dễ dàng sở hữu một sản phẩm đồ hiệu đã qua sử dụng với giá bằng 40 – 60% giá sản phẩm mới. Ngoài nhu cầu mua bán, họ còn có nhu cầu chia sẻ về gu thời trang của họ. Do đó, Joolux sẽ là nơi kết nối những người có cung và người có cầu lại với nhau.

Theo đó, người có sản phẩm sẽ tự đăng sản phẩm lên, khi có giao dịch Joolux sẽ thực hiện kiểm định sản phẩm và đóng gói vận chuyển tới khách hàng. Joolux với vai trò đứng giữa để bảo đảm giao dịch đó thành công.
Xây dựng hệ sinh thái hàng hiệu
Mô hình kinh doanh của Joolux dựa trên nguyên tắc thu tiền trên mỗi giao dịch thực hiện thành công. Khắc phục yếu điểm của hình thức kinh doanh trên chợ thương mại điện tử là khâu kiểm định chất lượng sản phẩm, Joolux đã tập trung đầu tư kỹ vào việc này.
Một trong những điểm nổi bật của nền tảng này là công nghệ kiểm định hàng hiệu Entrupy giúp bảo đảm hàng hóa trên sàn là hàng thật. “Đối với người bán hàng hiệu đã qua sử dụng họ cũng cần một đơn vị kiểm định, cung cấp cho họ một thẻ chứng nhận chất lượng sản phẩm. Còn đối với người mua khi có một món hàng hiệu họ cảm thấy không yên tâm, họ sẽ đến hệ thống kiểm định này để kiểm tra chất lượng” – CEO Joolux phân tích.
Do đó, Joolux hiện là đại diện duy nhất tại Việt Nam của Entrupy. Công nghệ Entrupy hiện được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và châu Âu với độ chính xác cao. Với công nghệ này, máy quét dữ liệu hình ảnh sản phẩm và so sánh kết quả với cơ sở dữ liệu hình ảnh của Entrupy trên toàn thế giới. Nếu phát hiện kiểm định sai, trung tâm kiểm định và Joolux sẽ bồi thường 100% giá trị giao dịch. Để tiết giảm chi phí đầu tư kiểm định, hiện Joolux còn mở thêm dịch vụ kiểm định chất lượng hàng hiệu không qua giao dịch với Joolux.
Với tham vọng xây dựng một hệ sinh thái cùng các dịch vụ xoay quanh người chơi hàng hiệu, Joolux tập trung vào 4 nhóm sản phẩm là: Túi xách, đồng hồ, giày dép và phụ kiện. Với 2 hình thức kinh doanh là ký gửi và chia sẻ hàng hiệu. Giá trị cốt lõi Joolux hướng đến là xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thị trường hàng hiệu thứ cấp bao gồm các hoạt động mua bán, ký gửi, cho thuê và sửa chữa, phục hồi hàng hiệu.
Các hoạt động bên lề như chia sẻ thông tin, xu hướng, kiến thức về hàng hiệu cũng được cập nhật thường xuyên trên nền tảng này. Khách hàng từ đó cũng sẽ được cập nhật những kiến thức và công nghệ mới nhất khi chuẩn bị bước vào một giao dịch hàng hiệu.
Sau 4 năm phát triển, hiện Joolux đã thu hút gần 80.000 người dùng, trong số đó có 60% là người dùng thường xuyên hoạt động và gần 1.000 sản phẩm của 50 thương hiệu danh tiếng được bán mỗi tháng. Joolux hiện có văn phòng tại 4 tỉnh, TP lớn trên cả nước và đang có tham vọng vươn ra ngoài khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần