Tham vọng vô hạn, khả năng hữu hạn

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ đã áp gói biện pháp trừng phạt thứ hai lên Iran kể từ ngày 5/11, lần này nhằm vào xuất khẩu dầu lửa và quan hệ thanh toán ngân hàng của Iran.

Với việc rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) để áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran, tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ huỷ hoại một trong những thành quả đối ngoại và an ninh nổi bật nhất và có ý nghĩa nhất của người tiền nhiệm Barack Obama mà còn khuấy động cuộc chơi chính trị an ninh, quyền lực và ảnh hưởng khu vực mới giữa Mỹ và Iran mà kết cục cuối cùng hiện hoàn toàn bất định.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Sau lần áp dụng gói những biện pháp trừng phạt Iran trên lĩnh vực tiền tệ hồi tháng 8 vừa qua, từ ngày 5/11/2018, ông Trump áp dụng gói những biện pháp trừng phạt Iran thứ hai, lần này nhằm vào xuất khẩu dầu lửa và quan hệ thanh toán ngân hàng của Iran, không chỉ nhằm vào Iran mà còn cả vào những quốc gia và đối tác, cá nhân duy trì quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Iran. Có 8 đối tác được Mỹ coi là trường hợp ngoại lệ, bao gồm Trung Quốc,  Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Italy và Đài Loan.

"Gây áp lực tối đa" là cụm từ được ông Trump và cộng sự sử dụng để khái quát mục đích và bản chất những biện pháp chính sách này. Cách tiếp cận của ông Trump và cộng sự xem ra đơn giản chỉ là chỉ cần gia tăng áp lực và gây khó như có thể được cho Iran thì rồi quốc gia này cũng sẽ phải đáp ứng những yêu cầu và đề nghị của Mỹ, lại còn không chỉ có một mà cả một danh mục bao gồm 12 điều kiện. Lý do JCPOA "là thoả thuận tồi tệ nhất đối với nước Mỹ mà nước Mỹ đã từng ký kết" trong thực chất được sử dụng làm cớ để ông Trump và cộng sự xử lý toàn bộ quan hệ của Mỹ với Iran, tức là tất cả mọi chuyện chứ không chỉ có riêng mỗi vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Ông Trump và cộng sự muốn Iran phải từ bỏ hoàn toàn cả chương trình hạt nhân lẫn chương trình tên lửa và đồng thời lại còn không được ganh đua với các đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược của Mỹ giành vai trò, vị thế và ảnh hưởng của cường quốc chính trị, quân sự và kinh tế ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Một đất nước Iran với quan điểm chính sách như thế đã được các thời chính quyền tiền nhiệm của ông Trump nhào nặn thành từ cuộc đảo chính quân sự lật đổ thủ tướng Mohammad Mossadegh ngày 19/8/1953 - do cơ quan tình báo Mỹ và Anh tiến hành - nhưng rồi đã bị cuộc Cách mạng Hồi giáo ở nước này xoá sổ năm 1979.

Có thể thấy được từ đó là ông Trump và cộng sự không chỉ kỳ vọng nhiều mà còn đeo đẳng tham vọng rất lớn với cuộc chơi mới này giữa Mỹ và Iran. Không biết phía Mỹ hiện quá tự tin hay ngộ nhận về khả năng của chính mình nhưng có thể chắc chắn được là đang để cho tình cảm chế ngự lý trí bởi không khó khăn gì để có thể nhận thấy tham vọng kia của ông Trump và cộng sự thật không có giới hạn trong khi khả năng thực tế để thực hiện nó lại không phải vô hạn.

Chỉ riêng việc Mỹ lật ngược JCPOA cũng đã đủ làm cho Mỹ bị cô lập và không còn đáng được tin cậy nữa trên thế giới. JCPOA không phải là thoả thuận song phương riêng giữa Mỹ và Iran mà còn được Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức cùng tham gia ký kết, lại còn được HDBA LHQ phê chuẩn. Khi trước một đằng, lúc sau một nẻo như Mỹ trong chuyện với JCPOA thì làm sao các đối tác khác trên thế giới có thể tin Mỹ được nữa. JCPOA được cả thế giới đánh giá tích cực và ủng hộ trong khi chỉ có Mỹ và một vài đồng minh khác của Mỹ chống đối - bức tranh về mức độ Mỹ bị cô lập trên thế giới rõ nét hơn bao giờ hết. Mỹ rút khỏi JCPOA nhưng những đối tác kia và Iran vẫn quyết tâm thực hiện nó và thậm chí còn cùng nhau có cơ chế để giúp Iran giảm bớt được tác động tiêu cực của những biện pháp chính sách trừng phạt của Mỹ.

Như thế có thể nói Mỹ hiện tại không còn có những đồng minh quan trọng nhất và quyết định nhất thật sự cùng hội cùng thuyền với Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran như trước. Tương quan lực lượng và cả cục diện tình hình liên quan đến chuyện này hiện đều đã thay đổi theo hướng bất lợi nhiều hơn là có lợi cho Mỹ.

Cuối cùng còn phải đề cập đến một thực tế là chính sách bao vây, cấm vận và trừng phạt của Mỹ gây khăn phức tạp cho các đối tác nhưng đâu đã khuất phục được họ. Nếu những biện pháp chính sách ấy khuất phục nổi Iran thì Mỹ đâu đã có chịu sẵn sàng ký JCPOA. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần