Than tổ ong  - “sát thủ” vô hình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Sở TN&MT Hà Nội, chất lượng môi trường không khí của Thủ đô đang xấu đi, đặc biệt là ở khu vực nội thành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là việc sử dụng than tổ ong của rất nhiều hộ dân.

Dạo một vòng qua các tuyến ngõ phố, chợ dân sinh, hầu hết các quán cơm, phở bình dân... đều ít nhiều sử dụng than tổ ong. Hàng quán nhỏ thì sử dụng bếp 1, 2 viên, hàng quán to thì sử dụng bếp 3, 4 viên. Kể cả những hàng ăn uống tại tầng 1 các khu nhà tập thể cũ khu trung tâm TP, nơi mật độ dân cư dày đặc, bếp than vẫn được sử dụng phổ biến. Khi được hỏi có biết đến tác hại của khói than tổ ong đối với sức khỏe thì hầu hết người sử dụng đều nói là biết nhưng vì cái lợi trước mắt đành bỏ qua. Bà Nguyễn Thị Trâm, bán hàng phở trên phố Đại La cho biết: “Suốt ngày ngồi bên chiếc bếp than tổ ong, hít khói than nhiều lúc thấy tức ngực, khó thở nhưng để tiết kiệm chi phí nên tôi đành chịu”.
Không ai có thể thống kê hết lượng than tổ ong được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày. Ảnh: Thu Cúc
Không ai có thể thống kê hết lượng than tổ ong được tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội mỗi ngày. Ảnh: Thu Cúc
Chưa ai làm con số thống kê chính xác mỗi ngày Hà Nội đốt hết bao nhiêu viên than tổ ong. Tuy nhiên, theo một người chuyên lấy than bán lẻ tại quận Hai Bà Trưng thì riêng tại khu vực Cảng Hà Nội mỗi ngày xuất đi ít nhất là 5 vạn viên. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn rất nhiều điểm lấy than cám từ Cảng Hà Nội về để đóng than tổ ong cung cấp ra thị trường. Như vậy, chỉ tính sơ qua số lượng than được tiêu thụ và mật độ người sử dụng có thể thấy lượng khí thải độc hại thải ra môi trường là không hề nhỏ. Theo GS.TS Dương Đức Tiến - Phó Chủ tịch Hội sinh học Hà Nội, than tổ ong khi đốt sẽ bốc lên các khí rất độc hại gồm CO­2, CO, COX, nhất là 2 loại khí CO và COX là khí cực hại. Trong y học đã khuyến cáo hít phải những khí này với nồng độ mạnh có thể gây suy hô hấp, ngất tại chỗ, hít với lượng nhất định trong một thời gian dài có thể mắc các bệnh về đường hô hấp, huyết áp, ung thư phổi...          

Biết là độc hại nhưng hiện nay vẫn chưa có chế tài xử phạt nên việc cấm người dân sử dụng thường xuyên bếp than tổ ong gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, lớn hơn là đến môi trường không khí của Hà Nội đang là cái khó của các cấp quản lý. Bà Hoàng Thị Bảo Phương - Chủ tịch phường Phương Mai, quận Đống Đa minh chứng cái khó điển hình của việc cấm bếp than tổ ong là tại khu tập thể cũ E3 và E10 trên địa bàn phường, người dân sống tại tầng 1 sử dụng bếp than tổ ong để bán hàng ăn uống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hộ dân tầng trên, người dân đã phản ánh tới chính quyền phường. “Chưa có luật nào cấm việc đun than tổ ong nên chúng tôi chỉ có thể vận động nhưng ý thức người dân chưa cao nên để người dân bỏ hẳn đun than tổ ong là rất khó” - bà Phương trăn trở.

Theo các chuyên gia môi trường, không thể dùng mãi nhiên liệu gây ô nhiễm, đặc biệt là đối với TP có mật độ dân cư đông đúc như Hà Nội. Để xây dựng một TP văn minh, có điều kiện sống trong lành cho người dân, việc xây dựng lộ trình để tiến tới cấm hẳn sử dụng than tổ ong là việc làm cần thiết. Phấn đấu đến năm 2018 không còn hộ gia đình nào dùng than tổ ong trên toàn TP như mong muốn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Lễ phát động và hưởng ứng ngày Môi trường thế giới vào đầu tháng 6 vừa qua đang là mong mỏi của rất nhiều người dân Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần