Thận trọng để tránh rủi ro

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với lợi thế là những địa bàn có tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch – nghỉ dưỡng, các tỉnh miền Trung và khu vực Đông Nam Bộ luôn trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư BĐS từ miền Bắc.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư phải thận trọng khi "Nam tiến" đầu tư vào các dự án BĐS.
Nếu như ở khu vực miền Trung có lợi thế về BĐS du lịch – nghỉ dưỡng, thì khu vực Đông Nam Bộ, đầu tàu là TP Hồ Chí Minh lại có sức hút lớn về công nghiệp và dịch vụ, với tỷ suất lợi nhuận được đánh giá có hơn 3 – 5% so với Hà Nội.
Theo đánh giá, tiềm năng sinh lời của thị trường Đông Nam Bộ khá rõ rệt khi thực hiện chính sách giãn dân cùng chiến lược phát triển đô thị vệ tinh ra vùng lân cận. Ngoài TP Hồ Chí Minh, thị trường Đồng Nai được cho là có nhiều lợi thế, khi giá đất khá "mềm", còn dư địa tăng giá lớn, tỷ suất sinh lời cũng được đánh giá tốt nhờ được phát triển mạnh mẽ, đồng bộ về hạ tầng.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh Đồng Nai sẽ được đầu tư trên 33,3 nghìn tỷ đồng làm hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành. Nhiều tuyến cao tốc sắp được xây dựng đi qua Đồng Nai như Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Đà Lạt, đường Vành đai 3, Biên Hòa - Đồng Nai, đặc biệt tuyến metro số 1 sẽ nối dài từ quận Thủ Đức qua TP Biên Hòa.
“Khi hoàn thành, những tuyến cao tốc này sẽ kết nối vùng và rút ngắn thời gian di chuyển, tạo đà phát triển mạnh cho BĐS khu Đông Nam Bộ và cũng là yếu tố quan trọng khiến tiềm năng sinh lời khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh tăng cao” – chuyên gia Vũ Quang Vinh (Hiệp hội BĐS Việt Nam) đánh giá.
Phong trào "Nam tiến" của người đầu tư BĐS miền Bắc đã có từ hàng chục năm nay. Các dự án phía Nam có quy mô lớn, được đầu tư bài bản, nhiều dự án hạng sang thuộc “hàng hiếm” thường được số đông các nhà đầu tư phía Bắc săn đón do tiềm năng sinh lời tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư vào khu vực này luôn rình rập những rủi ro, dư chấn vụ lừa đảo của Công ty Alibaba là minh chứng điển hình cho vấn đề này. Hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng đã bị “chôn vùi” vào các dự án ma, không có thật.
Bên cạnh đó, là nguy cơ bị “chôn” vốn vào các dự án BĐS công nghiệp, nhiều nhà đầu tư đón trước làn sóng dịch chuyển nhà máy đã “bung” tiền gom đất lẻ gần các khu công nghiệp đã chuẩn bị xây nhà trọ, nhà xưởng cho thuê lại.
Theo chuyên gia Trần Quốc Dưỡng – Hiệp hội BĐS Việt Nam, vấn đề rủi ro khi đầu tư là điều không thể tránh khỏi, các nhà đầu tư đặc biệt là đầu tư thứ cấp cần cẩn trọng để hạn chế điều này. Việc bất cẩn trong xác minh tính xác thực về thông tin của các dự án là điều thường xuyên xảy ra.
“Internet phát triển, các phương tiện truyền thông đại chúng nở rộ nhưng thực tế cho thấy, thông tin về pháp lý của một dự án BĐS thường rất mù mờ, khiến cho người mua lại bị đưa về phần yếu thế trong thời gian gần đây” – ông Dưỡng cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần