Thận trọng khi “ôm” đất ở tại Đông Anh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2019 được xem là năm bản lề trong mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng của huyện Đông Anh để trở thành đô thị cấp quận vào năm 2020.

Cùng với việc được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng quốc gia, khu vực này được đánh giá là vùng đất đầy tiềm năng đối với thị trường bất động sản (BĐS).
Hưởng lợi từ hạ tầng

Khảo sát thực tế tại một số khu vực huyện Đông Anh, như thôn Ngọc Giang (xã Vĩnh Ngọc); thôn Đoài (xã Nam Hồng); phố Vân Trì gần đường Võ Nguyên Giáp... giá đất đã tăng khá cao so với thời điểm cách đây hơn một năm. Hiện tại, đất thổ cư gần đường lớn giá từ 50 – 70 triệu đồng/m2, trong làng có giá từ 20 – 30 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản khu vực xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh thời gian qua khá sôi động. Ảnh: Công Hùng
Anh Nguyễn Tuấn Kiệt, một người môi giới đất tại khu vực phố Vân Trì cho biết, hiện tại giá đất đã tăng khá cao so với hơn một năm trước, ở mặt phố tăng từ 50 – 70% giá trị, còn ở trong làng tăng khoảng 30%. “Từ khi có quy hoạch trục đường Nhật Tân – Nội Bài, cầu Đông Trù, đất ở khu vực này đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá. Đợt tăng giá mới nhất là khi có thông tin xây dựng Thành phố thông minh, và hiện cũng đang có dấu hiệu “rục rịch” tăng khi thời gian tới huyện được nâng cấp thành quận" - anh Kiệt nói.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khu vực Đông Anh nói riêng và phía Đông Hà Nội nói chung có vị trí đẹp, thuận lợi về giao thông, nên đã sớm lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư. Không chỉ vậy, khu vực này đang được hưởng rất nhiều lợi thế từ hệ thống hạ tầng quốc gia. Từ khi trục đường cao tốc Nhật Tân – Nội Bài được đưa vào sử dụng, hàng loạt dự án lớn, có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng được công bố đầu tư xây dựng, có thể kể đến như Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất châu Á của Vingroup tại xã Đông Hội; Siêu dự án công viên Disneyland - dự án công viên văn hóa du lịch vui chơi giải trí Kim Quy của Sungroup tại xã Vĩnh Ngọc, xã Tiên Dương; Công viên công nghệ phần mềm của Becamex ITC tại xã Tiên Dương, xã Nguyên Khê...Các dự án này đã đưa Đông Anh trở thành “điểm đến” của giới đầu tư BĐS. Đặc biệt, khi dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc gia lớn nhất châu Á của Vingroup tại xã Đông Hội chính thức được khởi công cuối năm 2016 đã khiến giá đất tại hàng loạt xã lân cận như Tiên Dương, Nguyên Khê, Vĩnh Ngọc... đồng loạt “leo thang”.

"UBND TP Hà Nội đã thông qua đồ án quy hoạch huyện Đông Anh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khu vực đô thị sẽ chiếm từ 50 – 60% tổng diện tích toàn huyện. Theo đó, Đông Anh sẽ được nâng cấp thành đơn vị hành chính cấp quận. Không chỉ đất trong khu dân cư hiện hữu, đất dự án, mà ngay cả đất nông nghiệp của Đông Anh cũng sẽ được tăng giá. Tuy nhiên, có rất nhiều bài học nhãn tiền ở các địa phương lân cận và chính tại Đông Anh, khi mới có thông tin quy hoạch thì giá đất đã được nâng nên tạo ra cơn sốt ảo. Thị trường đang tương đối ổn định, các nhà đầu tư cần phải thận trọng." - Thạc sỹ Trần Tuấn Anh, chuyên gia về quy hoạch đô thị

Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho liên doanh là Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) xây dựng Thành phố thông minh với tổng số vốn đầu tư 4,2 tỷ USD quy hoạch xây dựng tại xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh vào tháng 6/2018. Và trước đó, cuối năm 2017, TP Hà Nội công bố thông tin quy hoạch 4 cây cầu bắc qua sông Hồng và sông Đuống... đã tiếp tục mang đến “luồng gió mới” cho thị trường BĐS đầy tiềm năng của khu vực này.

Cẩn trọng trước quyết định đầu tư

Thời gian gần đây, huyện Đông Anh được UBND TP Hà Nội chấp thuận quy hoạch nhiều dự án khu đô thị mới, khu tái định cư, các khu – cụm công nghiệp... và tiếp tục được TP cho phép triển khai hoàn thiện các tiêu chí phát triển đô thị, như quy hoạch đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng, xử lý nước thải, mật độ đường giao thông đô thị... Những yếu tố này được xem là “chất xúc tác” đặc biệt cho thị trường BĐS đầy tiềm năng tại Đông Anh.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường BĐS tại Đông Anh tương đối ổn định, không chứng kiến sự tăng vọt về giá, do phần lớn nhà đầu tư vẫn còn “cảnh giác” với cơn sốt đất ở những thời điểm trước đó. Tuy nhiên, không vì thế mà thị trường mất đi tính hấp dẫn.

Trên thực tế, thị trường BĐS tại Đông Anh liên tục trải qua những đợt “nóng sốt” nhưng đây là hiện tượng mang tính chất cục bộ nên kéo dài không lâu. Trước tác động lan tỏa của các dự án lớn, nhiều thời điểm môi giới đã đẩy giá lên cao hơn rất nhiều so với thực tế.

Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, hiện nay, mức độ thông tin thị trường rất đa dạng và tốt hơn trước. Nhà đầu tư cần phải đánh giá kỹ khả năng tăng trưởng tại một khu vực và cũng phải cẩn trọng với việc “ôm đất” chờ thời cơ.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, sự can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước thông qua những chính sách siết chặt về tín dụng, sẽ giúp kiểm soát khả năng tăng giá BĐS. “Thông tin về những dự án vẫn chưa triển khai thực tế chỉ góp phần tăng niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn, nhưng khó tạo ra những đợt tăng giá “siêu phi mã” như trước đây” - ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ.