Thận trọng với tín dụng tiêu dùng

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 đã lên cao nhất trong vòng 6 năm qua, áp lực tăng lạm phát vẫn được dự báo cao hơn năm 2017.

Trong bối cảnh đó, cùng với nhiều giải pháp giảm thiểu sức ép tăng giá, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và hoạt động ngân hàng hiệu quả, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp.
Rủi ro tiềm ẩn

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, có 3 yếu tố để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bao gồm: Khai thác tài nguyên, DN phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh và cung tiền (chủ yếu là tăng tín dụng). Áp lực lạm phát đến cuối năm được dự báo cũng sẽ lớn hơn nhiều, khi giá nhiều loại hàng hóa cơ bản, đặc biệt là xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới. Trong 3 yếu tố này, nếu tăng tín dụng một cách không hợp lý, quá liều lượng thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Việc điều chỉnh cơ cấu tín dụng và hướng dòng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất thay vì chảy vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như kinh doanh BĐS, chứng khoán… là cần thiết, đặc biệt là rủi ro tiềm ẩn từ sự phát triển nóng của tín dụng tiêu dùng.
 Khách hàng mua điện thoại bằng hình thức trả góp tại FPT Shop. Ảnh:  Công Hùng
Báo cáo kết quả hoạt động trong thời gian qua của NHNN gửi tới đại biểu Quốc hội cho biết, tín dụng tiêu dùng đến tháng 3/2018 tăng 3,8% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng 17,42%. Tín dụng BĐS quý I chỉ tăng 3,65% trong khi cùng kỳ năm trước tăng 7,34%. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, không thể loại trừ việc vốn tiêu dùng chảy sang BĐS khi dư nợ tín dụng tiêu dùng tiếp tục tăng cao.

Báo cáo chuyên đề vĩ mô “Tín dụng tiêu dùng - Cánh cửa cho tăng trưởng tín dụng” Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, tăng trưởng tín dụng tiêu dùng quá nhanh có thể dẫn đến nhiều rủi ro, khi khả năng người dân vay mượn vượt quá khả năng chi trả của bản thân. VDSC cảnh báo, tốc độ tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn tín dụng tiêu dùng (dự kiến 30%/năm) có thể tạo ra những sai lệch so với định hướng ban đầu.

Thực tế, không chỉ luôn cảnh báo đối với tín dụng BĐS, mà ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các ngân hàng thực hiện cung tín dụng đúng chỉ đạo của NHNN, đồng thời kiểm chặt chẽ sử dụng vốn vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán. Mới đây nhất, NHNN ra văn bản yêu cầu các ngân hàng phải đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, cân nhắc giới hạn số lượng tài khoản thanh toán, thẻ ATM mở cho một khách hàng và áp dụng hạn mức giao dịch tương ứng. “NHNN đã yêu cầu các công ty tài chính (CTTC) chấm dứt ngay việc đòi nợ qua điện thoại, tăng cường kiểm soát trong việc cho vay tín dụng” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.

Thận trọng không thừa

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tín dụng. Thông tin SeABank gần đây mua lại CTTC Bưu điện cho thấy các ngân hàng vẫn tăng cường cho vay tiêu dùng vốn đã "nóng" trong suốt thời gian qua.

Với lãi suất cho vay rất cao, đóng góp lợi nhuận rất lớn, nhiều ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh mảng cho vay ở phân khúc này trong giai đoạn gần đây, kể cả những ngân hàng bán buôn. Cho vay tiêu dùng đang được nhìn nhận là có mức độ rủi ro cao, nhất là khi các khoản vay chủ yếu là tín chấp, thậm chí, có không ít trường hợp gian lận và đánh cắp thông tin cá nhân để làm các hồ sơ vay tiêu dùng.

Trong lịch sử đã có không ít bài học cay đắng về việc một thị trường tài chính tiêu dùng phát triển quá nóng. Tổn thất năm 1997 tại Trung Quốc và Thái Lan bắt nguồn từ việc dòng vốn tiêu dùng chảy vào BĐS và chứng khoán không kiểm soát dẫn đến hàng loạt CTTC sụp đổ. Tại Hàn Quốc, đến năm 2003 trung bình mỗi người Hàn Quốc sở hữu 4 chiếc thẻ tín dụng. Cuối cùng, sau khi hàng triệu người vỡ nợ, Chính phủ đã phải ra tay giải cứu LG Card – lúc đó là công ty phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Hàn Quốc…

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, việc NHNN liên tục ra văn bản cảnh báo cho thấy nhà điều hành đã lo ngại về chất lượng tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng. Năm 2018, chủ trương của NHNN là tăng trưởng tín dụng 17%, cung tiền (M2)16%, chủ động, linh hoạt, nhưng phải thận trọng. “Thận trọng là đúng. Hoạt động cho vay tiêu dùng sau thời gian tăng trưởng nóng đang cần được quản lý chặt. Nếu không thì rủi ro nợ xấu, lạm phát và nhiều hệ lụy khác từ các khoản vay này không phải là nhỏ” - TS Võ Trí Thành bình luận.