Tháng 10, hơn 500 lái xe bị tước bằng do chở quá tải

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tháng 10, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 14.114 xe, trong đó có 1.539 xe vi phạm, tước 521 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 16,54 tỷ đồng.

Tổng Cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo công tác kiểm soát xe quá khổ quá tải trong tháng 10 và triển khai nhiệm vụ tháng 11.
Trong tháng 10 có 1.539 xe vi phạm trọng tải. Anh minh họa.
Theo đó, trong tháng 10 có khoảng 40 địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe (KTTTX) lưu động, các địa phương khác sử dụng cân xách tay thực hiện công tác KSTTX, đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại.
Tuy nhiên, do hiện nay lực lượng Thanh tra giao thông các Sở GTVT chỉ KSTTX trên các QL được ủy quyền quản lý và đường địa phương, các lực lượng khác buông lỏng nên tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại, lưu thông trên các QL và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa… tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...
Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã tái diễn trở lại tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất ATGT, ô nhiễm môi trường: Xe chở hàng quá tải lưu thông đường dài trên QL6 qua các địa phương như Hòa Bình, Sơn La... lưu thông trên QL1 từ Bắc vào Nam và ngược lại;
Các xe tải, xe ben có kích thước thùng hàng vượt quá quy định, chở đất quá tải từ các mỏ đất tại xã Hợp Thanh, huyện Lương Sơn, lưu thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình; các xe tải tự đổ, xe ben chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên các tuyến đường ngoại thành TP Hà Nội như QL21, QL32 địa phận các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây...
Để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các địa phương tiếp tục tổ chức và triển khai công tác KSTTX trên địa bàn theo chỉ đạo của Bộ và Tổng cục, bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các Trạm KTTTX lưu động và sử dụng cân xách tay để thực hiện công tác KSTTX phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn; Ban An toàn giao thông cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp KSTTX ngay từ đầu nguồn hàng.
Tổng cục Đường bộ đề nghị các địa phương xử lý tăng cường xử lý xe quá khổ quá tải trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Tổng cục đề nghị các Sở GTVT, các Cục QLĐB chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông, Công chức Thanh tra: Tăng cường phối hợp với các Sở, ngành, UBND cấp huyện của địa phương, kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng như các cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, các mỏ đá, mỏ vật liệu xây dựng, nhà máy xi măng... và trên các tuyến đường có nhiều xe quá tải lưu thông, đặc biệt là vào ban đêm; Thanh tra các Sở GTVT chủ động phối hợp với Công chức Thanh tra các Cục QLĐB để nâng cao hiệu quả công tác KSTTX.
Phối hợp với các cảng kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp không có Giấy phép lưu hành xe hoặc sử dụng Giấy phép lưu hành xe giả, sử dụng sà lan để đưa hàng siêu trường, siêu trọng ra khỏi cảng, sang tải, dồn tải, lưu thông trên đường bộ, đặc biệt là các cảng nhỏ, bến thủy nội địa tại TP Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh; tăng cường kiểm tra các xe chở hàng siêu trường, siêu trọng không có Giấy phép lưu hành xe lưu thông trên các tuyến đường.
Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các loại xe tải, sơmi rơmooc tự đổ, cơi nới thành thùng để chở hàng quá tải; tổng hợp các xe vi phạm kích thước thùng hàng vượt quá quy định gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam để xử lý theo quy định.
Tăng cường quản lý, chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông nâng cao tinh thần trách nhiệm trong khi làm nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả công tác; phòng ngừa sai phạm trong khi làm nhiệm vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần