Tháng 10, thị trường tiền tệ biến động do đâu?

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn (SSI), thị trường tài chính toàn cầu tháng 10 vẫn nhạy cảm với những thông tin liên quan đến căng thẳng thương mại Mỹ -Trung và sự bất ổn cũng như sụt giảm kinh tế tại khu vực châu Âu.

Quốc tế biến động mạnh do ảnh hưởng căng thẳng thương mại

Theo đó, tháng 10, căng thẳng thương mại Mỹ -Trung tiếp tục được đẩy lên cao khi Mỹ lập kế hoạch áp thuế bổ sung phần hàng hóa còn lại mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc (ước tính khoảng 257 tỷ USD) nếu như 2 bên không đi đến thỏa thuận nào tại cuộc gặp bên lề của kỳ họp thượng đỉnh G20 tại Argentina cuối tháng 11.

Trung Quốc vẫn tỏ ra rất cứng rắn. Tuy nhiên, nền kinh tế của quốc gia này bắt đầu “thấm mệt” khi tăng trưởng kinh tế trong quý III chỉ đạt 6,5%, chậm nhất kể từ năm 2009 trở lại đây. Chỉ số “sức khoẻ” kinh tế của ngành sản xuất (PMI) của Trung Quốc tháng 10 tiếp tục giảm xuống mức 50,2, giảm 0,6 điểm so với tháng 9 và là mức thấp nhất trong 2 năm gần đây. Đồng nhân dân tệ (CNY) tiếp tục mất giá, tỷ giá USD/CNY tiến sát về ngưỡng tâm lý 7,0.
 Tháng 10, thị trường tiền tệ quốc tế biến động mạnh. Ảnh minh hoạ.
Đồng CNY đã mất giá tới 2,1% chỉ trong vòng 2 tháng gần đây trong khi đồng VND mới giảm 0.24%. Tỷ giá USD/CNY tăng lên mức 6.9758 vào ngày cuối tháng 10, mức cao nhất từ đầu năm 2017 khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm tỷ giá tham chiếu xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ ở mức 6,9574. Nếu USD/CNY giảm về mốc 7 sẽ làm gia tăng các kỳ vọng vào sự mất giá sâu hơn của nhân dân tệ, gia tăng áp lực thoái vốn, gây bất ổn cho thị trường tài chính Trung Quốc. Nhiều tổ chức tài chính dự báo ngưỡng 7 là ngưỡng rất quan trọng và khó có thể phá vỡ trong năm nay của cặp tỷ giá USD/CNY.

Ngày 2/11, PBoC phát hành tín phiếu và tín hiệu tích cực về chiến tranh thương mại từ tổng thống Donald Trump, đồng CNY ngay lập tức đã lên giá tăng 1.2%, đẩy tỷ giá đồng USD/CNY lùi về mức 6.8907.

Tháng 10, đồng USD không chỉ lên giá so với CNY mà còn lên giá với hầu hết các đồng tiền mạnh khác. Chỉ số USD Index đã tăng vượt mức 97 chủ yếu do sự mất giá của EUR và GPB trước những bất ổn mà các nước Châu Âu đang phải đối mặt. Chỉ đến ngày 2/11 vừa qua, biểu đồ Chỉ số đôla (DXY) mới giảm về mức dưới 97, do BOE giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu thắt chặt tiền tệ trong năm 2019 tạo cho đồng bảng Anh (GBP) tăng giá mạnh.

Sự căng thẳng giữa EC và Italia- nền kinh tế lớn thứ 3 trong khối liên quan đến vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách, sự nhập nhằng của tiến trình Brexit và sự gián đoạn của ngành công nghiệp ô tô Đức đã khiến cho nền kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại. GDP quý III của Châu Âu chỉ tăng 0,2% so với quý trước và tăng 1,7%, mức thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.

Dự báo FED nâng lãi suất đã giảm từ mức 78% xuống 73,8%, như vậy nhiều khả năng cơ quan này vẫn kiên định với kế hoạch nâng lãi suất. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm sau khi vượt qua mốc 3% vào cuối tháng 9/2018, tuần đầu tháng 10 đã đạt đỉnh 3,23%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ là công cụ tham chiếu cho lãi suất toàn cầu nên diễn biến này đã gây lo lắng cho giới đầu tư dẫn đến sự sụt giảm mạnh, đồng loạt của các thị trường chứng khoán trong ngày 10 và đầu tháng 11/2018.

Trong nước ổn định

Trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tiền tệ ổn định, tỷ giá trung tâm được nâng thêm 12 điểm, từ 22.714 lên 22.726 đồng/USD. Do đó, tỷ giá trần lên mức 23.408 đồng/USD.

Tuy nhiên, tại thời điểm tỷ giá trung tam cao nhất từ trước đến nay các ngân hàng vẫn duy trì ổn định giá giao dịch mua – bán USD ở mức 23.300 - 23.390 đồng/USD. Giá trao đổi trên thị trường tự do cũng không có nhiều biến động giao dịch quanh ngưỡng 23.450 - 23.470 đồng/USD, thấp hơi chút ít so với cuối tháng 9.

Chênh lệch lãi suất USD - VND nới rộng. NHNN có những động thái kịp thời hỗ trợ tỷ giá là những yếu tố chính giúp ổn định đồng VND trong bối cảnh thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động.

Nguồn thu ngoại tệ vẫn khả quan khi cán cân thương mại nửa đầu tháng 10 thặng dư 40 triệu USD sau khi đạt thặng dư lớn 3,6 tỷ USD chỉ trong 2 tháng 8 và 9. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 10, cán cân thương mại đang thặng dư 6,33 tỷ USD.

Vốn FDI giải ngân trong tháng 10 đạt 1,85 tỷ USD. Tổng vốn FDI đã giải ngân trong 10 tháng đầu năm 2018 là trên 15 tỷ USD, tăng 6,34%. Theo báo cáo của Thủ tướng Chính Phủ tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở khoảng 60 tỷ USD.