Dự kiến, tháng 4/2018 sẽ ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT đã họp báo, chính thức công bố Dự thảo chương trình các môn học giáo dục phổ thông mới.

Tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, với 20 môn và hoạt động giáo dục  trong chương trình giáo dục phổ thông mới được công bố trong dự thảo sẽ lấy ý kiến rộng rãi dư luận xã hội trong 2 tháng, trước khi được thẩm định, phê duyệt và dự kiến công bố vào tháng 4/2018.
Ảnh minh họa.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong 20 môn học, sẽ có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như: tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Một số môn học tích hợp mới như: Lịch sử và địa lý (cấp THCS), Khoa học (cấp tiểu học), Khoa học tự nhiên (THCS), Giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…
Dự thảo chi tiết các chương trình các môn học sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT để tiếp tục xin ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp nhân dân sau khi đã chỉnh sửa trên tinh thần tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý của các chuyên gia giáo dục, nhà khoa học, giảng viên trường sư phạm, giáo viên cốt cán tiểu học, THCS, THPT từ trước đó.
Các vấn đề được đặc biệt quan tâm trong sự kiện thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông tập trung vào nhưng điểm mới của từng môn học như môn Văn, môn Toán với quyền chủ động cho giáo viên, liệu năng lực giáo viên có thực hiện được hay không? Bao giờ thì sách giáo khoa được biên soạn xong? Việc tổ chức trải nghiệm sáng tạo là bắt buộc nhưng liệu có dẫn tới tình trạng phát sinh chi phí cho phụ huynh. Chương trình mới đòi hỏi nhiều về thực hành, trải nghiệm nhưng với điều kiện các trường hiện nay thì sẽ phải đầu tư như thế nào để đáp ứng…
Ngay sau sự kiện này, ngày mai (20/1), Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới. goài việc giới thiệu tổng quan về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; giới thiệu chương trình giáo dục tích hợp trong môn Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên thì những vấn đề quan trọng khác như công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo đáp ứng chương trình mới; công tác tài chính, công tác truyền thông giáo dục cũng được trao đổi tại hội nghị này.