Tháng 5 trên quê Bác

Thiên Tú - Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tháng 5, cái nắng miền Trung bỏng rát cháy da cháy thịt, gió Lào hầm hập táp vào mặt như chảo lửa. Thế nhưng, nắng gió khắc nghiệt cũng không cản được hàng vạn bước chân xuôi về Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An để được thăm những di tích, địa danh nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Xúc động và tự hào
Mới hơn 8 giờ sáng 17/5, Khu di tích Kim Liên đã tràn ngập nắng vàng chói chang. Mồ hôi rịn lấm tấm trên trán và ướt đẫm lưng áo của nhiều người. Mặc dù vậy, cái nắng nóng oi ả đặc trưng của dải đất miền Trung ấy không ngăn nổi tâm trạng háo hức của dòng người đông nghịt trên khắp các lối đi. Ấy là những cựu chiến binh mang trên mình bộ quân phục màu xanh với những huân huy chương đầy kiêu hãnh, là những em học sinh mầm non mặc áo cờ đỏ sao vàng rực rỡ, xếp hàng rồng rắn bước theo cô giáo. Trong mỗi ánh mắt, nụ cười đều chất chứa biết bao nhiêu tình cảm lắng đọng với vị cha gia của dân tộc.
Đoàn đại biểu Khối các cơ quan TP Hà Nội nghe giới thiệu về Khu di tích lịch sử Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Theo con đường quê uốn lượn chạy vắt qua những cánh đồng yên ả, chúng tôi đến làng Sen

quê cha của Bác. Từng hàng người nối tiếp nhau đội nắng về thăm những địa danh, kỷ vật gắn bó với Người như: Nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Bác), giếng Cốc, lò rèn Cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý (thầy dạy học khai tâm của Bác), nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm nép mình bình yên dưới tán cây mít và hàng cau xanh mướt, phía trước sân có một cây lựu nở những bông hoa đỏ rực như đốm lửa. Bước qua bậc cửa gỗ có che vách liếp vào trong nhà, vẫn còn nguyên những kỷ vật gắn bó với gia đình Bác như chiếc giường, mâm, tủ, chạn bát..., dù đã nhuốm màu thời gian nhưng vẫn gần gũi như hình bóng của Người vẫn lưu lại nơi đây.
Lần đầu tiên được đến thăm quê Bác, ông Nguyễn Văn Tơ (74 tuổi), một cựu chiến binh huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh không giấu nổi sự xúc động và nghẹn ngào. Ông tâm sự, trong suốt những năm tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường, ông đã được nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ. “Được tận mắt ngắm nhìn những kỷ vật, vật dụng sinh hoạt trong gia đình Bác được lưu giữ lại, giản dị, gần gũi và thân thương, tôi càng cảm nhận rõ nét đức tính giản dị trong lối sống của Bác” – ông Tơ chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng trao quà cho các gia đình chính sách huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Không gian yên bình của làng Hoàng Trù - quê ngoại của Bác với những rặng tre xanh bát ngát, những hàng cau thẳng tắp hay hàng rào xanh bằng cây dâm bụt, cây duối, cây ô rô được cắt tỉa cận thận đã phần nào làm mát lòng những bước chân xa. Bước vào thế giới ấy, rời xa những ồn ào của đô thị, mỗi người như cảm thấy lòng mình lắng đọng lại những xúc cảm rất đỗi mộc mạc và thân quen. Căn nhà tranh đơn sơ, giản dị nơi Bác cất tiếng khóc chào đời, vốn được nhắc đến nhiều trong những vần thơ, lời ca tiếng hát ngọt ngào nay hiện ra một cách chân thực, gần gũi và xúc động biết bao.
Hành trình về nguồn, thăm tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp sinh nhật Bác của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội là hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình cảm trân quý của Thủ đô với mảnh đất Đô Lương lịch sử. Những phần quà này sẽ góp phần giúp các gia đình chính sách trên địa bàn vượt khó vươn lên xây dựng huyện giàu đẹp và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Nguyễn Trung Thành
Hòa trong dòng người đông đảo về với Khu di tích Kim Liên, có Đoàn công tác của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội, đặc biệt có hơn 20 tập thể, cá nhân và đoàn viên, hội viên có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa được Đảng ủy Khối tuyên dương, khen thưởng.
Là một trong những điển hình được tuyên dương, chị Lê Thị Bích Thanh - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công TNHH MTV Kinh Đô chia sẻ: “Đến thăm Khu di tích Kim Liên, điều khiến tôi cảm động nhất là sự giản dị cũng như tình cảm chân thành của Bác dành cho gia đình, quê hương.
Đặc biệt, qua hành trình Về nguồn này, tôi thấy mình càng phải học tập Bác nhiều hơn ở trách nhiệm đối với cộng đồng, nhất là đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp”.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu trao quà cho các gia đình chính sách huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Càng đến gần ngày 19/5, kỷ niệm 129 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, du khách tìm về Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên càng nhiều. Không ít du khách đã lặng người trầm ngâm, khóe mắt rưng rưng khi nghe cô hướng dẫn viên của Khu di tích Kim Liên, với chất giọng đậm tình xứ Nghệ, giới thiệu về những kỷ vật và quãng thời gian ấu thơ của Bác. Theo Ban Quản lý Khu di tích Kim Liên, trung bình mỗi năm, khu di tích đón 1,5 - 1,7 triệu lượt khách đến thăm quan, trong đó cao điểm là trong tháng 5 và suốt cả mùa Hè.
Chị Giang Hoài Thu, hướng dẫn viên khu di tích Kim Liên tâm sự, từ đầu tháng 5 đến nay, bình quân mỗi ngày khu di tích đón 800 - 900 khách đến tham quan. “Tôi đã có dịp kể chuyện, thuyết minh thông tin về Bác và di tích cho rất nhiều đoàn khách từ trong nước đến quốc tế, từ các cụ già đến em nhỏ, thấy ai cũng xúc động. Điều đặc biệt, sự xúc động ấy đến từ trái tim chân thành, ngưỡng mộ một người lãnh tụ vĩ đại” - chị Thu chia sẻ.
Tháng 5 nghĩa và tình
Cùng với hành trình về thăm quê Bác trong tháng 5 lịch sử, trong ngày 17/5, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội còn đến dâng hương tại khu di tích Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, một “tọa độ lửa” đầy khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu di tích rộng hơn 20ha này chất chứa biết bao câu chuyện cảm động về 13 anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong của Đại đội 317 trong quá trình làm đường Trường Sơn huyền thoại.
Đi cùng với Đoàn có bà Trần Thị Thông, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội thanh niên xung phong cảm tử anh hùng khi xưa. Trao phần quà nghĩa tình ấm áp cho bà Trần Thị Thông, dâng hương hoa tưởng nhớ hơn 1.200 anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên cung đường Truông Bồn khói lửa, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng thay mặt Đoàn xúc động bày tỏ sự tri ân sâu sắc công lao to lớn ấy.
Tuổi trẻ Thủ đô với nữ nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Thanh niên xung phong Trần Thị Thông tại Khu di tích Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Tháng 5 hướng về nguồn cội. Tháng 5 thành kính tri ân. Nhớ về Bác, học tập tấm gương đạo đức sáng ngời của Người, trong chương trình về nguồn, chiều 17/5, Đoàn công tác của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội đã trao tặng 150 suất quà cho các hộ gia đình chính sách trên địa bàn 6 xã: Nhân Sơn, Xuân Sơn, Tân Sơn, Mỹ Sơn, Thái Sơn, Minh Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An với tổng giá trị 75 triệu đồng. Nhận phần quà từ tay lãnh đạo Đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Lý, vợ liệt sĩ Nguyễn Nhân Hiền, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương xúc động cho biết, sự quan tâm của Đoàn là niềm an ủi và động viên bà cùng con cháu giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình.
Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Phùng Khải Lợi, chương trình Về nguồn lần này, ngoài ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2019), 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ (1969 - 2019), còn hướng tới kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7).
“Những phần quà của Đoàn công tác dù không lớn nhưng chứa đựng nhiều tình cảm biết ơn sâu sắc, sự tri ân của cán bộ, nhân viên, người lao động các cơ quan thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan TP Hà Nội đối với mảnh đất Truông Bồn lịch sử nói riêng và quê Bác nói chung” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội chia sẻ.
Từng hàng người nối nhau vào thăm Khu di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Đoàn đại biểu Khối các cơ quan TP Hà Nội dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích Truông Bồn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
Trước đó, cũng trong chương trình Về nguồn, Đoàn Khối các cơ quan TP Hà Nội phối hợp với Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình “Chia sẻ yêu thương” tại xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ, Nghệ An. Tại Chương trình, Đoàn Khối các cơ quan TP Hà Nội đã trao tặng công trình thanh niên gồm 2 sân chơi cho thanh niên tại xóm 10 và xóm 15 xã Tân Hương trị giá 28 triệu đồng (gồm sân bê tông và đèn chiếu sáng).
Đoàn cũng tặng 1 bộ máy tính cho trường Tiểu học Tân Hương, 1 bộ máy lọc nước cho trường Mầm non Tân Hương với tổng trị giá 15 triệu đồng. Đây là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 45%. Chủ tịch UBND xã Tân Hương Chu Văn Lợi cho biết, những phần quà này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nguồn động viên to lớn để người dân vượt khó vươn lên.
Tháng 5 trên quê hương Nam Đàn lịch sử, đi đâu cũng thấy văng vẳng câu hát quen thuộc trong bài hát "Người về thăm quê": "Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương. Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha. Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ, thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo... ".

Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như nêu cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của TP, thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới... Thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị thuộc TP và nơi công cộng.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần