Thành công với ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang ước mơ ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, Lê Công Thành (SN 1982) sáng lập viên, Giám đốc điều hành Công ty CP Công nghệ chọn lọc thông tin (InfoRE) bỏ ngang việc học Tiến sĩ tại Pháp về nước khởi nghiệp với mong muốn giúp cho hàng trăm nghìn liệt sĩ vô danh tìm về với gia đình bằng công nghệ gen.

Bỏ học để khởi nghiệp
Lê Công Thành từng theo học thạc sĩ, tiến sĩ tại Pháp nhưng năm 2011, đã bỏ dở chương trình học và nhiều cơ hội việc làm để về nước cùng đồng nghiệp bắt tay vào nghiên cứu xử lý ngôn ngữ, trí tuệ nhân tạo. Năm 2012, Công ty InfoRE ra đời với ý tưởng đầu tiên được nhóm bạn triển khai là một dự án xã hội phi lợi nhuận “lietsi.com - các anh không vô danh” số hóa toàn bộ thông tin về liệt sĩ đang nằm tại các nghĩa trang. Chia sẻ về ý tưởng, Thành cho biết ở Việt Nam có hơn 3.000 nghĩa trang liệt sĩ nhưng có người tìm được, có người không tìm được. Nếu số hóa được thông tin ở toàn bộ các nghĩa trang và đưa lên website thì việc tìm kiếm sẽ dễ dàng hơn.
Lê Công Thành vinh dự nằm trong Top 16 gương mặt trẻ Thủ đô khởi nghiệp xuất sắc năm 2017. Ảnh: Thanh Bình
Phương án của Thành là dùng sức mạnh cộng đồng, kêu gọi mọi người đến các nghĩa trang gần nhất chụp ảnh các bia mộ, gửi kèm thông tin. Hệ thống sẽ có chương trình tự động nhận dạng nội dung trên bia mộ: Họ tên, quê quán, thời gian, địa điểm hy sinh… Với những bức ảnh bị mờ, tối, nhóm tiếp tục nhờ mọi người truy cập vào website và nhập liệu thông tin trên bức ảnh, sau đó được số hóa và đưa vào kho dữ liệu thông tin liệt sĩ ở Việt Nam. “Ra đời năm 2012, đến nay dự án đã số hóa được 95% số nghĩa trang liệt sĩ ở Việt Nam với hơn 750.000 thông tin về nơi yên nghỉ hiện tại của các liệt sĩ, giúp nhiều gia đình tìm lại được hài cốt thân nhân. Hàng tuần đều có những gia đình có người thân là liệt sĩ báo về cho chúng tôi. Thời kỳ cao điểm, mỗi ngày có khoảng 2.000 người tham gia. Đây là một dự án hoàn toàn phi lợi nhuận” - Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, tham vọng của Lê Công Thành là muốn tiếp tục giúp cho hàng trăm nghìn liệt sĩ vô danh tìm về với gia đình bằng công nghệ gen. Kế hoạch được vạch ra là tạo ra một thư viện gen của gia đình thân nhân, khi Nhà nước tìm được hài cốt liệt sĩ cũng sẽ xét nghiệm AND và đối chiếu ở đó. Nhưng chi phí vẫn còn đắt đỏ nên cần tiến hành từng bước.

Giúp doanh nghiệp nhận diện sớm rủi ro

Năm 2016, Lê Công Thành tiếp tục thành công với sản phẩm Hệ thống phân tích ngữ nghĩa và quản trị tương tác mạng xã hội (SMCC- Social Media Command Center). Phần mềm có khả năng tự động thu thập thông tin mới từ các nguồn xuất bản như báo điện tử, trang tin điện tử, blog, diễn đàn. Qua đó thống kê nội dung đề cập đến từng loại đối tượng (nhân vật, thương hiệu, địa danh…) giúp nhận diện sớm các rủi ro, nhất là giúp DN đưa ra các kịch bản ứng phó kịp thời với chi phí thấp hơn rất nhiều so với xử lý khủng hoảng truyền thông. “Khi xây dựng SMCC, chúng tôi đã xử lý ngôn ngữ tiếng Việt từ hàng chục triệu thông tin được quét từ internet mỗi ngày, từ đài phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo điện tử cho đến mạng xã hội. Những file âm thanh, hình ảnh được xử lý thành văn bản, báo giấy được scan tự động và nhận dạng nội dung… Từ thông tin có được, hệ thống phân tích các nội dung được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội và đưa ra gợi ý sớm nhất cho người sử dụng hệ thống. Hiện nay, phần mềm đang được nhiều tập đoàn lớn đã sử dụng như một công cụ giám sát truyền thông thương hiệu” - Thành chia sẻ.

Hiện, Lê Công Thành đang thực hiện nhiều dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo theo nhiều hướng đi khác nhau: Đưa trí tuệ nhân tạo vào dạy học với sản phẩm kính thực tế ảo, nhận dạng khuôn mặt, nhận dạng giọng nói, xử lý dữ liệu tài chính, xử lý dữ liệu y tế, phân tích dữ liệu mạng xã hội, phát triển camera thông minh, mô hình hóa nhu cầu người dùng... tổng cộng 15 dự án trí tuệ nhân tạo, với quy mô 40 DN. Bên cạnh các dự án kinh doanh, công ty của Thành cũng xác định sử dụng 10% doanh thu cho việc phát triển các dự án xã hội phi lợi nhuận với mong muốn được đóng góp sức trẻ vào sự phát triển của đất nước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần