Về thiết kế và quy hoạch phát triển thì Qiangdao Movie Metropolis không khác biệt gì nhiều so với Hollywood hay Bollywood, tức là có những trường quay hiện đại, có hệ thống khách sạn và nhà hàng, có khu mua sắm và giải trí, nhằm vào cả đối tượng là những nhà sản xuất điện ảnh cũng như du khách. Có thể khu này nổi tiếng chưa bằng nhưng mức độ hiện đại, đa dạng thì chắc chắn sẽ vượt cả Hollywood lẫn Bollywood về cơ sở hạ tầng và công nghệ cho ra đời những tác phẩm điện ảnh thuộc đẳng cấp "bom tấn" trên thế giới.
Về ý tưởng và mục đích thì Qiangdao Movie Metropolis lại có phần khác. Nó không chỉ là điểm nhấn mới cho TP mà còn tạo động lực mới cho TP phát triển nói riêng và cho công nghiệp điện ảnh của Trung Quốc nói chung. Thị trường điện ảnh của Trung Quốc không chỉ rất tiềm năng mà còn rất đặc thù. Hiệu ứng cộng hưởng này Trung Quốc chỉ có thể có được với kinh đô điện ảnh riêng chứ không thể nhờ cậy vào Hollywood hay Bollywood. Việc phát triển Thanh Đảo thành kinh đô điện ảnh cho Trung Quốc và cho cả khu vực Đông Á nhằm trước hết vào nhu cầu phát triển điện ảnh rất đặc thù ở Trung Quốc và khu vực. Sau đó mới đến mục tiêu thu hút các nhà sản xuất điện ảnh bên ngoài khu vực, không phải cạnh tranh với Hollywood hay Bollywood mà để khai thác, tận lợi những tiềm năng ở Trung Quốc và khu vực mà Hollywood hay Bollywood không thể khai thác được. Kỳ vọng lớn thật đấy đối với Thanh Đảo nhưng không hẳn phi thực tế.