Thanh Hoá: Tái định cư cho cư dân vùng lũ trước ngày 30/11/2019

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã có 10 người bị chết (huyện Mường Lát 3 người, huyện Quan Sơn 7 người); 6 người khác (huyện Quan Sơn) hiện còn đang mất tích.

Cùng với thương vong về người, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất còn gây thiệt hại nặng nề về tài sản của Nhân dân. Thống kê cho thấy, đã có 79 nhà bị thiệt hại hoàn toàn; 12 nhà bị thiệt hại rất nặng (50 - 70%), cùng 292 nhà bị hư hỏng. 89 hộ dân đã phải di dời khẩn cấp. 
Mưa lũ cũng khiến 38 điểm trường bị sập hoàn toàn, ngập, hư hỏng. Phòng học, phòng chức năng công vụ, nhà ở tập thể, nhà bán trú cho học sinh/sinh viên/học viên bị thiệt hại: 46 cái. Bên cạnh đó là nhiều hủ hỏng về giao thông, thuỷ lợi, đê điều… Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 914 tỷ đồng. 
Cùng với tập trung hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống, tỉnh Thanh Hoá đã xây dựng kế hoạch tái thiết. Theo đó, các đơn vị chức năng của tỉnh đang khảo sát, xác định vị trí xây dựng khu tái định cư và tập trung cao huy động tổng lực các lực lượng để xây dựng hạ tầng khu tái định cư, làm nhà mới cho các hộ dân, bảo đảm hoàn thành việc xây dựng nhà cho các hộ dân ở khu tái định cư mới trước ngày 30/11/2019.
 Mưa lũ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tỉnh Thanh Hoá 
UBND tỉnh cũng đã giao các huyện làm chủ đầu tư và thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà văn hóa theo cơ chế khẩn cấp, cấp bách theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm hoàn thành xây dựng các điểm trường mới trước ngày 30/9/2019. Trước mắt, bố trí các địa điểm phù hợp để tổ chức khai giảng năm học mới và triển khai công tác giảng dạy, học tập theo đúng kế hoạch.
Về khôi phục các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt: UBND tỉnh thành lập các tổ công tác trực tiếp khảo sát, đánh giá chính xác thiệt hại của từng công trình, tham mưu đề xuất UBND tỉnh phương án khắc phục, hoàn trả lại các công trình hạ tầng như thiết kế ban đầu theo cơ chế cấp bách, khẩn cấp; trong đó phải khẩn trương khắc phục các sự cố về giao thông, bảo đảm thông xe bước 1 trên tất các các tuyến đường trước ngày 30/9/2019.
Về cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại: Áp dụng cơ chế, chính sách khôi phục sản xuất, ốn định đời sống nhân dân vùng bị thiệt hại theo cơ chế, chính sách đã được Thường trực Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 226-TB/VPTUngày 18/9/2018 và đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3824/QĐ-UBND ngày 04/10/2018; trong đó điều chỉnh một số nội dung sau:
Đối với hỗ trợ về nhà ở: Kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở do các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ; mức hỗ trợ theo yêu cầu của nhà tài trợ, cụ thể: Hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà cho các hộ có nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%); hỗ trợ 200 triệu đồng/nhà cho các hộ có nhà ở bị hư hỏng rất nặng (50 - 70%); hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà cho các hộ có nhà ở bị hư hỏng nặng (30 - 50%); hỗ trợ 40 triệu đồng/nhà đối với nhà sàn và 70 triệu đồng/nhà đối với nhà xây kiên cố cho các hộ có nhà ở phải di dời khấn cấp.
Đối với hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu tái định cư: Tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các huyện đầu tư hạ tầng khu tái định cư với mức hỗ trợ cao hơn so với mức hỗ trợ năm 2018, bảo đảm kinh phí cho các địa phương xây dựng hạ tầng khu tái định cư đáp ứng các yêu cầu nêu trên.