Thành lập 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi tại địa phương

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Bộ GD&ĐT thành lập nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra để đảm bảo hoàn thành tốt các công tác từ trước, trong và sau khi kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra.

Chiều nay (27/6), Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác coi thi của kỳ thi THPT Quôc gia 2019. 
Tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT) – ông Mai Văn Trinh cho biết, Bộ đã thành lập 8 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT Quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương. Đặc biệt là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập và hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra, giám sát thi THPT Quốc gia năm 2019. Cụ thể, thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi; 9 đoàn thanh tra công tác coi thi; 1 đoàn kiểm tra, trực thanh tra coi thi; 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương.
TS Mai Văn Trinh trả lời tại cuộc họp báo.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, tồn tại của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những quy định, giải pháp khắc phục như quy định rõ nội dung đề thi năm 2019 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 và đồng thời tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp THPT từ 50% lên 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh (TS) để đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi. Điều động các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường ĐH, CĐ địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình.

Quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, các TS tự do, TS là học viên giáo dục thường xuyên phải thi chung điểm thi với TS là học sinh lớp 12 THPT (học viên giáo dục thường xuyên chiếm không quá 40% trong tổng số TS của điểm thi; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong túi đựng bài thi, lưu trữ, bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi và Hội đồng thi.

Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; đánh phách điện tử Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.

Tăng cường chỉ đạo các sở GDĐT, các trường ĐH, CĐ thực hiện nghiêm túc công tác lựa chọn, phân công cán bộ thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy định của quy chế; phối hợp với các cơ quan, nhất là cơ quan công an để tập huấn kỹ về nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi cũng như kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao để đảm bảo tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.

Bộ còn quy định rõ trách nhiệm của Bộ, của các địa phương, các trường ĐH, CĐ và các cá nhân tham gia vào các khâu của quy trình tổ chức thi.

Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đã ban hành đầy đủ quy chế, các văn bản, tài liệu hướng dẫn tổ chức kỳ thi. Bộ đã gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, các trường ĐH, CĐ phối hợp chuẩn bị tổ chức kỳ thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019.

Ngay trước kỳ thi, ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ & đã Phùng Xuân Nhạ đã có 2 công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, TP và giám đốc, hiệu trưởng các ĐH, học viện, các trường Đh, CĐ về việc tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 tại các địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần