Lập Ban Chỉ đạo xử lý dứt điểm các dự án lớn thua lỗ, kém hiệu quả

Dương Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng làm Trưởng Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.
 Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ trưởng đề nghị từng đơn vị trong Bộ tập trung vào các nội dung sau cụ thể sau: Tổng cục Năng lượng, Cục Hóa chất, Vụ Công nghiệp nặng, Vụ Công nghiệp nhẹ theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công, phối hợp với các đơn vị có liên quan: Rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; khẩn trương xử lý dứt điểm, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện các dự án; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra; đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai xử lý khẩn trương, dứt điểm các vấn đề tồn tại ở các dự án lớn chậm tiến độ, kém hiệu quả trong ngành Công Thương. Các đồng chí Thứ trưởng phụ trách các lĩnh vực liên quan tham gia Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm chỉ đạo, xử lý các vấn đề ở các dự án thuộc lĩnh vực được giao.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trực tiếp chỉ đạo, Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp chỉ đạo, Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động này.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm để hạn chế tình trạng hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác này thời gian tới.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan: Quản lý chặt chẽ việc sản xuất phân bón; xây dựng, ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia về phân bón; đề xuất phương án thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng này.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng và Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo, Vụ Khoa học và công nghệ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực phân bón và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý được giao.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải trực tiếp chỉ đạo. Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế khuyến khích sản xuất để bảo đảm tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô, lộ trình thực hiện kể từ năm 2017; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trực tiếp chỉ đạo, Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điều tiết điện lực, các Sở Công Thương, các cơ quan, đơn vị có liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý các công trình, dự án thủy điện vi phạm pháp luật về đầu tư, về bảo vệ môi trường, xả lũ gây thiệt hại cho đời sống, sản xuất của nhân dân vùng hạ lưu; tổng rà soát, đánh giá quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác các công trình thủy điện theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội, gắn phát triển thủy điện với thủy lợi. Rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện các qui trình xả lũ để xác định những hạn chế, bất cập trong nội dung các qui trình và khẩn trương hoàn thiện. Sớm tổ chức các hoạt động đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ tham gia thực hiện qui trình xả lũ và bảo đảm an toàn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn ở các địa phương.
Bên cạnh những nội dung nhiệm vụ lớn theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 33/2016/QH14 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV nêu trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các Đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động triển khai thực hiện những nội dung công việc trong lĩnh vực được giao nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong toàn ngành Công Thương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần