Thành lập các tập đoàn bệnh viện: Đừng chuyển gánh nặng lên vai người dân

Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có kiến nghị Chính phủ nên cho cổ phần hóa các cơ sở y tế công lập tiến tới thành lập các tập đoàn bệnh viện (BV).

Đề xuất có phần mới mẻ này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia y tế.
Xu thế tất yếu?

Theo đại diện VAFI, hiện đầu tư cho hệ thống y tế công lập lớn hơn nhiều so với khu vực y tế tư nhân, song hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng lãng phí trang thiết bị, chất lượng khám chữa bệnh chưa như kỳ vọng. Theo đó, người bệnh vào BV khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc, còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức. Chưa kể, tại các BV lớn đang có nhiều tiêu cực trong việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ, cơ chế quản lý BV chưa chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, một loạt câu hỏi được VAFI đặt ra: Tại sao không phát triển các thương hiệu mạnh như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… xuống các tỉnh mà đến nay vẫn chỉ có 1 cơ sở duy nhất? Tại sao đội ngũ bác sĩ giỏi không mặn mà làm việc tại các BV tuyến dưới, mà chỉ mong ước được làm việc ở tuyến T.Ư? Trong khi đó, các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân lớn trong nước lại tuyển dụng được nhân sự giỏi, sẵn sàng đi công tác địa phương. Với những tồn tại trên, VAFI khuyến nghị cần thực hiện một cuộc cách mạng trong y tế, mục tiêu là cổ phần hóa các BV công lập đầu ngành, tiến tới thành lập các tập đoàn BV.
 Phẫu thuật mắt cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt T.Ư. Ảnh: Hải Lý
Về đề xuất này, ông Lê Quốc Thịnh - Trưởng khoa Dược, BV T.Ư 71 cho rằng, việc thành lập tập đoàn BV là cần thiết, hợp với xu thế của nền y tế phát triển, bởi hiện nay các BV công lập do được bao cấp nên đang sử dụng kinh phí của Nhà nước rất lãng phí, kém hiệu quả. Nếu thành lập các tập đoàn BV buộc cơ sở phải tính toán để tiết kiệm chi phí dựa trên lợi ích của BV và đáp ứng tốt nhất chất lượng khám chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân, vì lúc đó, bệnh nhân là người trả lương và bác sĩ là người phục vụ. “Việc thành lập các tập đoàn BV này nên tiến hành sớm để xóa bỏ bao cấp giữa các cơ sở y tế, xóa bỏ lợi ích nhóm của một số đối tượng, để BV vận hành theo cơ chế thị trường" - ông Thịnh bày tỏ.

Một trưởng khoa tại BV Việt Đức cũng cho rằng, nên thay đổi cơ chế quản trị hiện hành theo hướng chuyển toàn bộ hệ thống BV công lập sang mô hình DN công ích hoạt động theo Luật DN, từ đó tiến tới sáp nhập các BV tỉnh, BV huyện vào các BV lớn nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng dịch vụ tại các BV địa phương.

Chưa nên áp dụng

Bên cạnh ý kiến ủng hộ, theo một số chuyên gia y tế, việc này không nên áp dụng trong điều kiện kinh tế hiện nay. Chuyên gia y tế Phan Đình Hiệp đang công tác tại Australia cho rằng, việc thành lập các tập đoàn BV là mô hình được nhiều nước trên thế giới áp dụng, song trong hoàn cảnh của Việt Nam chưa hẳn phù hợp. Bởi khi thành lập các tập đoàn BV, tiêu chí lợi nhuận sẽ được đặt lên hàng đầu, BV tự hạch toán kinh doanh, bệnh nhân ở tất cả mọi đối tượng, kể cả người nghèo cũng phải chi trả dịch vụ y tế theo giá dịch vụ, giá thị trường, chi phí khám chữa bệnh sẽ tăng lên rất nhiều. Như vậy, việc đảm bảo người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế sẽ khó hơn nhiều so với thời điểm hiện tại. “Thành lập tập đoàn BV đồng nghĩa với việc Nhà nước chuyển gánh nặng chi phí y tế lên vai người dân, người dân sẽ không được hưởng lợi từ chính sách y tế của Chính phủ. Việc chuyển mô hình BV công sang tập đoàn rất dễ dàng, song từ mô hình tập đoàn muốn quay về BV công sẽ bất khả kháng. Do vậy, trước khi ra một quyết sách nào đó, các nhà quản lý cần cân nhắc kỹ, bởi nó liên quan đến quyền lợi của hơn 90 triệu người dân Việt” - ông Hiệp nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS.Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, hệ thống y tế công lập và hệ thống hành nghề y tư nhân cần tồn tại song song, nhưng tránh tình trạng công - tư lẫn lộn như hiện nay. Bên cạnh hệ thống công lập, Nhà nước nên tạo điều kiện để y tế tư nhân phát triển, cạnh tranh lành mạnh với y tế công lập và cùng chung mục tiêu cung cấp dịch vụ y tế tốt cho người bệnh. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, thay bằng việc cổ phần hóa các BV công, Nhà nước nên tiến hành cải tổ hệ thống, siết chặt quản lý BV công, tránh thất thoát, tham nhũng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tư nhân hóa BV công, nhập nhèm trong đầu tư, thu chi tại các BV công như hiện nay.

Theo VAFI, giai đoạn 1 của việc cải tổ hệ thống y tế công lập sẽ chuyển toàn bộ BV Nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức DN công ích hoạt động theo Luật DN. Giai đoạn 2 sẽ cổ phần hóa các BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phụ sản T.Ư, Nhi đồng, Chợ Rẫy… Các BV lớn này sẽ đóng vai trò là các BV mẹ, làm cơ sở cho tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các BV nhỏ, các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện, hình thành các tập đoàn BV có cổ phần Nhà nước chiếm đa số (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức… đóng tại địa phương mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến như hiện nay.
Hệ thống y tế phải tồn tại 3 loại hình dịch vụ

Việc chuyển các BV công sang mô hình DN tạo ra các liên kết của các BV hàng đầu, mở rộng cánh tay dịch vụ xuống tận huyện, xã, giải quyết “quá tải” ở BV tuyến tỉnh, T.Ư xem ra là bước “đột phá” cho ngành y tế. Nhưng đó là bước phát triển lệch lạc, khó lường trước được hậu quả.

Nhiều nước đã trả giá cho việc tư nhân hóa dịch vụ y tế công, bởi tiết kiệm từ giảm chi phí ngân sách công chưa chắc đã bù lại được sự gia tăng giá dịch vụ y tế, khiến toàn xã hội phải chịu đựng, BHYT, và cả nguồn tài chính từ tiền túi người dân đều sẽ rơi vào tình trạng không đủ khả năng chi trả, bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng rộng ra. Xã hội hóa công tác chăm sóc y tế không đồng nghĩa với đẩy y tế công sang vận hành quản lý theo mô hình tư nhân, cũng không đồng nghĩa với hình thành mô hình “công - tư hợp tác”. Xã hội hóa công tác y tế là tạo ra một môi trường pháp lý để các nguồn lực trong xã hội tham gia cao nhất vào công tác chăm sóc sức khỏe, cả dự phòng, điều trị và phục hồi chức năng. Do vậy, hệ thống y tế phải tồn tại 3 loại hình dịch vụ, đó là dịch vụ y tế công, y tế tư và dịch vụ chăm sóc y tế phi lợi nhuận. Thiếu loại hình này, “xã hội hóa dịch vụ chăm sóc y tế” đã triệt tiêu ý nghĩa đích thực của nó. 

3 chủ thể cung cấp dịch vụ chuyên môn y tế: Công, tư, phi lợi nhuận, mỗi chủ thể có vị thế, chức năng riêng, tồn tại độc lập mà hỗ trợ lẫn nhau đáp ứng nhu cầu của xã hội, đó là nguyên tắc cơ bản tạo nên một thị trường lành mạnh của loại hình dịch vụ đặc biệt là chăm sóc y tế.

Y tế công có chính sách đẩy theo hướng tự chủ, giảm ngân sách nhà nước. Nhưng trong thời gian qua, y tế công đã “nhuốm màu” công-tư lẫn lộn; y tế tư thì “nhuốm màu” hợp tác với “công” để cùng nhau “khai thác” người dân cho mục đích lợi nhuận. Từ đó “đẻ” ra nhiều mặt trái của chăm sóc y tế thị trường hiện nay. Đã coi dịch vụ y tế theo hướng thị trường phải xác định 3 chủ thể cung cấp dịch vụ này có chức năng vai trò đặc thù và hỗ trợ lẫn nhau, cùng đi theo quy luật của thị trường, có cạnh tranh nhau theo các nguyên tắc bình đẳng của pháp luật. Do đó, Luật Khám chữa bệnh cần phải thay đổi theo hướng, trong khám chữa bệnh không chỉ có công và tư mà phải có công, tư và cả phi lợi nhuận. Đồng thời, hành lang pháp lý của BHYT phải làm sao cho các chủ thể đều có khả năng tiếp cận cung cấp dịch vụ và bảo hiểm phải chi trả.
TS Trần Tuấn 
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần