Thanh long hạ giá tràn ngập đường phố Hà Nội, cần thay đổi phương thức sản xuất

Bài và ảnh Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhiều tuần qua, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bày bán rất nhiều trái thanh long với giá rẻ chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg. Bài toán được mùa, rớt giá lặp lại mà không có lời giải.

Thanh long mất giá mạnh
Dạo quanh các đường phố Nguyễn Xiển, Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương, Hồ Tùng Mậu, Đại Lộ Thăng Long … từng xe thanh long chất đống, từ xe thồ, ô tô … Giá bán thanh long chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, thanh long bày bán ở các tuyến đường đều được ghi ngoài thùng là “thanh long xuất khẩu”. Đây đều  là loại thanh long ruột trắng. Hầu hết các địa điểm bán đều niêm yết giá chung là 15.000 đồng/kg. Những trái xấu được bán với giá 10.000 đồng/kg.
 
 Xe thồ chở đầy thanh long, nhưng vắng khách mua.

Anh Tuấn chuyên chở xe thồ bán thanh long chia sẻ, hàng ngày có nhiều chuyển xe tải chở thanh long bỏ tại các mối bán trên các tuyến đường. Chúng tôi cũng là người mua ở xe đó đi bán. Khi hỏi giá mua, người này không nói. Cũng có người nói mua lại của thương lái chở xe tải là 10.000 đồng/kg và bán lại 15.000 đồng/kg.
Theo một người bán thanh long tại tuyến đường Lê Văn lương cho biết: Thanh long đạt chuẩn xuất khẩu đấy. Chẳng qua bây giờ không xuất khẩu được nên mới bán rẻ ở nội địa như vậy. Trước kia thị trường xuất khẩu thanh long đi nước ngoài thì chúng tôi bán ra cũng từ 25.000 – 40.000 đồng/kg. Có thời điểm lên đến 50.000 đồng/kg. Chất lượng thanh long cũng không đẹp và đều quả như thế này.
 Giá bán đều từ 10.000 - 15.000 đồng/kg thanh long.
 Các thùng thanh long ghi là xuất khẩu, nhưng không xuất bán được đành phải bán với giá rẻ.

Theo chia sẻ của nhiều người bán thanh long: Mặc dù giá rẻ, nhưng số lượng thanh long bán nhiều trên địa bàn Hà Nội nên lượng tiêu thụ cũng chậm.
Tìm hiểu của phóng viên tại các chợ giá bán thanh long cũng từ 20.000 – 25.000 đồng/kg. Tại các cửa hàng bán trái cây được đăng ký chất lượng an toàn thực phẩm thanh long ruột trắng vẫn được bán với giá 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Điệp khúc “được mùa – mất giá” lặp lại
Theo thông tin từ một số vùng trồng nhiều thanh long ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, Bình Thuận vựa thanh long của cả nước. Tại các khu vực nói trên có đến 80% sản lượng thanh long sản xuất ra là xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến thời điểm này, lượng xuất khẩu thanh long sang các nước tiên tiến theo đường chính thống thì còn rất hạn chế mà chủ yếu là xuất theo con đường tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Nhiều người kinh doanh cho biết: Hiện nay, thanh long đang vào dịp chính vụ. Sản lượng trái chín tăng mạnh. Thương lái Trung Quốc không thu mua khiến cho nhiều nhà vườn đang phải bán rẻ để gỡ lại một phần vốn.
 Thi thoảng mới có 1 người mua thanh long.

Theo tiết lộ của một số tiểu thương, hiện nay giá thanh long thu mua tại vườn chỉ còn từ 1.500 – 5.000 đồng/kg. Trước đây chừng 1 tháng, thanh long vẫn bán được với giá 15.000 - 25.000 đồng/kg.
Điều này cho thấy không có gì bất thường trên thị trường. Cốt yếu nhất ở đây là việc phát triển ồ ạt và trồng tự phát không theo quy hoạch khiến cho sản lượng tăng “nóng”, trong khi đó đầu ra thị trường lại phụ thuộc vào thương lái. Điệp khúc “được mùa – mất giá” tiếp tục diễn ra là không tránh khỏi.
Sau nhiều mùa vải, nhãn “được mùa - mất giá” thì nông dân Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Sơn La đã tìm được đầu ra cho những trái cây kể trên bằng việc sản xuất đạt chuẩn xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật, Úc … Chính vì thế mà mùa vải, nhãn vừa qua đã không còn bị tư thương ép giá. Xuất khẩu được người nông dân không chỉ có thu nhập cao mà còn mang ngoại tệ về cho đất nước.
 Nắng xế chiều heo hắt, thanh long còn khá nhiều nhưng không có người hỏi mua. 

Đã đến lúc sản xuất nông nghiệp không thể thụ động trông chờ vào thương lái. Sản xuất thanh long, hay cho dù phát triển sản phẩm hàng hóa nào đi chăng nữa thì cần sự chung tay của cả chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên ngành, nông dân và doanh nghiệp cùng chủ động sản xuất, cho ra thị trường sản phẩm an toàn với sức khỏe người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tạo cho người nông dân tham gia vào chuỗi giá trị. Có như vậy thì sản phẩm nông sản mới có thể bán được ở nhiều nơi, không phụ thuộc vào một nơi để rồi “trắng tay khi được mùa”.