Thành lũy tình người

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cho đến mãi sau này, có lẽ người Hà Nội vẫn còn kể những câu chuyện cảm động về sự hy sinh vì cộng đồng của những “chiến sĩ” trên tuyến đầu chống dịch, những câu chuyện về tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng. Chính “thành lũy tình người” đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.

Trong những ngày TP cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, ở bất cứ nơi đâu, chúng ta cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động về tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người Hà Nội. Sự đoàn kết chính là “sức mạnh mềm” để trong lúc khó khăn nhất, mỗi người càng thêm tin tưởng vào chiến thắng dịch bệnh và chiến thắng thời kỳ “hậu” Covid-19.
Hà Nội có rất nhiều “xưởng” sản xuất những dụng cụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19 của các bạn nhỏ. Đó là những học sinh lớp 5A0 trường Tiểu học - THCS Ngôi Sao, là các thiếu nhi huyện Thanh Oai, huyện Quốc Oai và nhiều cô bé, cậu bé khác cùng làm mũ chống giọt bắn để tặng cộng đồng.
 ATM gạo miễn phí cho người dân Hà Nội gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại phường Nghĩa Tân. Ảnh: Phạm Hùng
Song song với nỗ lực phòng chống dịch, tinh thần "không ai bị bỏ lại phía sau" là một thực tế đang diễn ra ở Hà Nội với sự chung tay của toàn xã hội. Có hàng nghìn câu chuyện về tinh thần “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi cao, sức yếu có ít tiền để bồi dưỡng cũng dành dụm để ủng hộ các hoạt động chống dịch bệnh như cụ Nguyễn Thị Thơm (thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) đến tận Văn phòng Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì để trao 10 triệu đồng, ủng hộ công tác phòng, chống dịch…

Tại thời điểm khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có yêu cầu dừng mọi hoạt động kinh doanh, khó khăn về kinh tế càng lớn hơn, thì cũng là lúc mỗi ngày lại có thêm nhiều hoạt động thiện nguyện. Những dòng chữ “Ai cần cứ đến lấy...”, “Nếu khó khăn hãy nhận một phần thực phẩm mỗi ngày/ Nếu bạn ổn xin nhường cho người khác”; “Không sợ hết, xin chỉ lấy đủ dùng, cùng chia sẻ để vượt qua dịch bệnh”... xuất hiện ở nhiều nơi.
Những “siêu thị 0 đồng”, “cây ATM gạo”, bữa ăn miễn phí... nối nhau xuất hiện tại nhiều địa điểm khác nhau ở Thủ đô, như một cách lan tỏa tình yêu thương, khơi dậy ý thức chung tay vì cộng đồng. Song song với đó, để tháo gỡ khó khăn cho nhóm yếu thế và những người bị ảnh hưởng do dịch, Hà Nội đã tích cực triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ đã phê duyệt cho người dân cả nước, kịp thời, đúng đối tượng. Các sở, ban, ngành cũng nhanh chóng triển khai thêm các gói hỗ trợ riêng hơn 1.000 tỷ đồng của TP để bảo đảm không một ai “bị bỏ lại phía sau”.

Ngoài ngân sách của TP, tính đến thời điểm 31/12, Ủy ban MTTQ TP đã tiếp nhận ủng hộ bằng tiền mặt và hiện vật trị giá hơn 243 tỷ đồng và kịp thời chuyển tình cảm, tấm lòng của các tầng lớp Nhân dân Thủ đô tới các lực lượng tuyến đầu tham gia công tác phòng chống dịch gồm: Các y, bác sĩ tuyến đầu, lực lượng công an, quân đội; thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình khó khăn, bị tác động trực tiếp của dịch bệnh và Nhân dân các khu vực cách ly phòng chống dịch trên địa bàn TP. Tại các quận, huyện, thông qua MTTQ các cấp, các tổ chức, cá nhân cũng đã đóng góp hàng tỷ đồng để giúp bà con vượt qua khó khăn.

Nhắc tới tinh thần tương thân tương ái của người Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhận định, qua công tác phòng dịch, những giá trị căn bản của xã hội, của đất nước, của Nhân dân Việt Nam, của Thủ đô không mất đi mà còn nhân lên rõ rệt với nhiều tấm lòng hảo tâm, chung sức, đồng lòng với Đảng bộ, chính quyền TP để chia sẻ, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều gương, câu chuyện xúc động lòng người, có trách nhiệm với xã hội không thể kể hết đã góp phần tạo nên sức mạnh cùng chiến thắng dịch bệnh.

"Nhìn từ Hà Nội, điều tôi ấn tượng nhất chính là trong quá trình phòng chống Covid -19, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào, đồng chí đã tỏa sáng. Cùng đó là tinh thần vượt khó, sáng tạo của người Việt, hơn lúc nào hết được bộc lộ, bởi chúng ta không bao giờ chịu bó tay trước thiên tai, dịch họa. Trí tuệ Việt Nam tỏa sáng. " - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (Bộ Công an), PGS.TS Lê Văn Cương


"Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng khi “đánh giặc” vô hình Covid-19 đã có hiệu quả và được quốc tế ghi nhận. Người dân đã chấp hành nghiêm các quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch, tạo nên “thế trận lòng dân” vững chắc để chiến thắng dịch bệnh." - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần