Sau thời gian bôn ba đất khách quê người, năm 2017, anh Tô Văn Bình (37 tuổi, thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) về quê lập nghiệp, quyết tâm làm giàu từ mô hình nuôi dúi. Mới đầu, nhiều người nói anh “khùng”, gia đình thì ngỡ ngàng trước quyết định của anh. Sau 4 năm vừa nuôi vừa học hỏi, đến nay trang trại của anh đã có hàng trăm con dúi, thu lãi cả trăm triệu mỗi năm.
Từ số vốn 30 triệu đồng tích góp được sau nhiều năm làm ăn xa, anh Bình mua 2 cặp dúi rừng về nuôi thử nghiệm. Lúc đầu, anh xây một chuồng nhỏ, diện tích chỉ khoảng 4m2 theo kiểu nhà tầng để dúi ở. Do chưa có nhiều kiến thức và chưa nắm bắt được hết kỹ thuật nên mới đầu anh Bình cũng gặp nhiều khó khăn. Để có kinh nghiệm, anh tìm đến các trang trại nuôi dúi khác trên địa bàn Quảng Nam để học hỏi.
“Vừa nuôi, vừa học hỏi từ các anh chị khác, phải mất 1 năm trời tôi mới nắm rõ các bước nuôi dúi lúc sinh sản”, anh Bình chia sẻ.
Từ 2 cặp dúi ban đầu, anh đã nhân đàn lên rất nhanh, đến nay số lượng đàn 200 con, trong đó có 40 con đang trong thời kỳ sinh sản và dúi nhiều tháng tuổi để bán giống và thương phẩm. Thấy việc nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Bình quyết định đầu tư hơn 100 triệu đồng để xây chuồng 100m2 và mua thêm con giống để nuôi theo phương pháp mới.
“Dúi sinh sản nhanh, 1 năm dúi mẹ sẽ đẻ 3 lứa, mỗi lứa được 7 con. Dúi thương phẩm có giá 500.000 đồng/con. Còn dúi giống thì có giá từ 800.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/con, tùy thuộc vào trọng lượng dúi, mỗi năm tôi thu lãi 300 triệu đồng”, anh Bình cho biết.
Trên địa bàn huyện Đại Lộc ngoài anh Bình còn có nhiều người khác cũng thành công với mô hình nuôi con “ăn đêm, ngủ ngày” này. Các trang trại này liên kết với nhau, thành lập một “tổ hợp tác” nuôi dúi gồm 8 thành viên, đủ mọi lứa tuổi, nghành nghề khác nhau.
Tổ hợp tác thành lập nhằm mục đích liên kết các hộ nuôi dúi để hỗ trợ nhau về mặt kỹ thuật chăn nuôi, cung cấp con giống và đầu ra sản phẩm. Từ đây, nguồn cung được đảm bảo, nhiều lúc không đủ cung ứng cho thị trường.
Anh Bùi Thanh Lương (34 tuổi, trú thôn An Mỹ, xã Bình An, huyện Thăng Bình) cũng thành công từ mô hình nuôi dúi.
Năm 2015, anh Lương khởi nghiệp với 10 cặp dúi đầu tiên. Ban đầu, anh gặp rất nhiều khó khăn vì mua phải dúi rừng săn được, bị thương nên sức khỏe suy yếu, chết dần. Tuy nhiên, không đầu hàng trước khó khăn, anh Lương chủ động tìm hiểu, mày mò học hỏi từ sách báo rồi lặn lội đến tham quan các mô hình nuôi dúi thành công trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm.
Sau quá trình học hỏi kinh nghiệm, anh Lương mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua mua 15 cặp dúi giống và xây chuồng trại. Sau gần 6 năm khởi nghiệp với nhiều gian truân, đến nay trang trại của anh đã có tổng cộng 500 con dúi.
“Con dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định. Năm vừa rồi tôi xuất bán khoảng 100 cặp dúi, trừ hết các chi phí thì lãi hơn 100 triệu đồng”, anh Lương chia sẻ.
Anh Lương thường xuyên chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dúi với các thanh niên khác trong vùng để họ học hỏi làm theo, làm giàu cho bản thân cũng như quê hương. “Việc nuôi dúi không quá khó khăn, chỉ cần nắm rõ một vài chi tiết là có thể thành công vì loài này có sức đề kháng tốt, ít nhiễm dịch bệnh. Thức ăn thì không bị hôi thiu để bảo vệ đường ruột cho dúi. Hằng ngày chỉ cần vệ sinh chuồng trại cho chúng là được”, anh Lương nói.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có gần 30 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã, 96 tổ hợp tác xã và 322 mô hình kinh tế do thanh niên khởi nghiệp làm chủ, đa dạng ở tất cả các ngành, nghề. Tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng Quỹ khởi nghiệp đầu tư với số vốn 50 tỷ đồng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư khởi nghiệp, giúp đỡ cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên.