Thanh niên thất nghiệp vẫn ở mức cao: Vấn đề chính là chất lượng việc làm

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Lao động trình độ từ cử nhân trở lên thất nghiệp giảm, nhưng số thanh niên không có việc làm vẫn ở mức cao. Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội (Bộ LĐTB&XH) Đào Quang Vinh khẳng định, chất lượng đào tạo chưa tốt chỉ là một lý do.

Thưa ông, mấy quý gần đây, Bản tin thị trường lao động Việt Nam do Bộ LĐTB&XH công bố cho thấy, thanh niên thất nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao so với các nhóm khác. Ngoài lý do về chất lượng đào tạo còn có nguyên nhân gì?
- Đúng là tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên mấy quý vừa rồi luôn ở mức 7,2 - 7,35%, cao hơn so với các nhóm khác. Nhưng so với các nhóm lao động trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Việt là thấp. Như thanh niên Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha có tỷ lệ thất nghiệp lên tới 17 - 20%. Một trong những lý do khiến thanh niên Việt Nam thất nghiệp nhiều là bởi họ mới bước vào thị trường lao động, chưa có thời gian làm quen với công việc. Đó là chưa kể, một số thanh niên chưa sẵn sàng để làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Chất lượng đào tạo hiện nay chưa tốt cũng khiến thanh niên khó tìm việc làm. Đặc biệt, giới trẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường - việc này đã nói đến nhiều. Rất nhiều em sau khi tốt nghiệp các trường nghề, cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng của DN.
Tỷ lệ thất nghiệp nói chung trong cả nước luôn ở mức trên 2%, cho dù lao động trình độ cử nhân trở lên có việc làm tăng. Ông lý giải thế nào về việc này?
- Tỷ lệ thất nghiệp chung trên cả nước ở mức 2,3% trong quý I/2017, khu vực thành thị là 3%, không phải cao. Vấn đề của chúng ta chính là chất lượng việc làm. Đa số lực lượng lao động có việc làm, nhưng chất lượng, năng suất chưa cao. Vì thế cần phải tạo ra nhiều việc làm có chất lượng, năng suất và thu nhập cao để đảm bảo cho người lao động (NLĐ) sống tốt bằng lương. Tôi muốn nói đến tạo việc làm chủ yếu trong nền kinh tế từ DN, khu vực Nhà nước chiếm chưa đến 10%, còn 90% việc làm được tạo ra ở các khu vực khác, nhất là tư nhân. Chính phủ cũng có các chính sách thu hút đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh để tạo nhiều việc làm, đồng thời cải tiến công nghệ góp phần nâng cao năng suất lao động.
Số lao động trình độ cử nhân trở lên giảm mạnh có phải do các DN bắt đầu có xu hướng chuộng lao động trình độ cao?
- Có một số lý do giải thích số lao động trình độ cử nhân giảm so với quý trước. Thực ra, những tháng trước, Chính phủ đã có những chính sách cải thiện môi trường kinh doanh để khuyến khích DN phát triển. Thể hiện rõ nhất ở việc nhiều cử nhân trẻ khởi nghiệp, đăng ký thành lập DN tạo việc làm cho mình và cho người thân, bạn bè. Một xu thế khác là các DN đổi mới công nghệ, nên cũng tạo ra nhiều việc làm hơn cho lao động trình độ cử nhân.
Nhóm lao động có trình độ CĐ thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất. Theo ông, các trường CĐ nên làm gì để cải thiện tình hình?
- Để NLĐ có việc làm đòi hỏi rất nhiều thứ. Không chỉ các trường ĐH, CĐ và dạy nghề, mà ngay từ bậc học phổ thông phải có thay đổi trong chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận. Cách làm này sẽ đảm bảo cho NLĐ được đào tạo kiến thức và kỹ năng theo yêu cầu mới.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần