Thanh Oai đang hoài phí tiềm năng du lịch

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù được sống trên “mỏ vàng” về du lịch, tuy nhiên Thanh Oai vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này. Trong đó, hệ thống hạ tầng yếu kém là một trong những nguyên nhân chính cản trở du lịch phát triển.

 Khách du lịch trải nghiệm làm nón tại làng Chuông, Phương Trung, Thanh Oai.
Giàu tiềm năng

Thanh Oai nổi tiếng là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Giới thiệu về tiềm năng du lịch của địa phương, Trưởng phòng VH&TT huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi tự hào: Trên địa bàn huyện có 266 di tích, trong đó có 68 di tích cấp quốc gia, 73 di tích cấp TP đã được xếp hạng. Một số công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Đình nội Bình Đà thờ Thánh tổ Lạc Long Quân, có bức tượng Lạc Long Quân nghìn năm tuổi đã được công nhận là Bảo vật quốc gia; chùa Bối Khê là một trong những ngôi chùa cổ bậc nhất Hà Nội… Bên cạnh đó, Thanh Oai còn được biết đến là mảnh đất trăm nghề với 51 làng nghề truyền thống vẫn còn được duy trì và phát triển đến ngày nay như: Làng nghề kim khí, điêu khắc (Thanh Thùy); nón Chuông (Phương Trung); lồng chim Canh Hoạch (Dân Hòa)…

Không chỉ hấp dẫn du khách bằng cảnh sắc thiên nhiên, di tích lịch sử, đến với Thanh Oai, du khách còn có cơ hội lạc vào một “thiên đường” ẩm thực, với các món ăn dân dã đã vang danh toàn quốc như giò chả Ước Lễ; tương, miến Cự Đà; bánh đúc Kim Bài; gạo Bồ Nâu; rượu làng Mai… Đặc biệt vài năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Thanh Oai đã trở thành một thủ phủ của các loại cây ăn trái như cam, bưởi, táo…

Những thế mạnh trên được coi là “mỏ vàng” để Thanh Oai phát triển du lịch. Trong đó có thể khai thác các tour du lịch tâm linh, kết hợp trải nghiệm tại các làng nghề hay du lịch nghỉ ngơi tại các vườn cây ăn trái kết hợp trải nghiệm ẩm thực địa phương. Để khai thác tiềm năng này, huyện đã xây dựng 2 tuyến du lịch chính, tuyến 1 gồm các xã Cự Khê - Thanh Thùy - Tam Hưng - Bình Minh - Cao Viên - Thanh Cao; tuyến 2 gồm Tân Ước - Hồng Dương - Dân Hòa - Phương Trung - Xuân Dương - Cao Dương.

Nhiều rào cản

Trên thực tế, các điểm du lịch tại Thanh Oai còn nghèo nàn, chưa hấp dẫn. Đa phần các điểm di tích trên địa bàn chỉ nhộn nhịp vào lễ chính. Không ít những hoạt động văn hóa độc đáo ở Thanh Oai như chợ phiên, sản phẩm làng nghề... chưa được nhiều người biết đến. Trong năm 2018, lượng khách du lịch tới Thanh Oai mặc dù có tăng so với các năm trước nhưng vẫn chỉ từ khoảng 3.000 – 3.500 lượt khách. Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà thừa nhận, mặc dù tiềm năng du lịch của huyện là rất lớn nhưng đến nay, địa phương chưa khai thác hiệu quả. Nguyên nhân có thể kể đến là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của huyện còn thấp, thiếu đồng bộ. Các loại hình dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi còn thiếu, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc trưng. Mặt khác, Thanh Oai cũng chưa có chiến lược tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, điểm du lịch trên địa bàn.

Theo bà Hà, để khắc phục các hạn chế trên, huyện sẽ tăng cường nâng cao ý thức cho người dân trong việc khai thác các thế mạnh du lịch tại địa phương, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm môi trường, thúc đẩy các hoạt động văn hóa...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần