Thành phố nghèo Trung Quốc "đánh cược" vào VR

Hương Thảo (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì những trung tâm hào nhoáng, tham vọng biến công nghệ thực tế ảo không chỉ là cơn sốt nhất thời của Bắc Kinh đang trỗi dậy từ những nơi không ngờ.

Những du khách đang trải nghiệm công nghệ VR trên 'con quay luân hồi' tại một trong những công viên chủ đề thực tế ảo lớn nhất thế giới ở phía Tây Nam Trung Quốc. 
Cơn sốt công nghệ thực tế ảo VR đã phần nào hạ nhiệt sau nhiều năm bùng nổ khắp thế giới, tuy nhiên chính phủ Trung Quốc vẫn đang cố gắng "giữ lửa" và hy vọng sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong một công nghệ mà họ mong đợi cuối cùng sẽ được sử dụng rộng rãi.
Để thúc đẩy các doanh nhân trong nước đi sâu nghiên cứu, Bắc Kinh đang không ngừng giáo dục khuyến khích sinh viên, trợ cấp không gian văn phòng và tài trợ cho các hội nghị hay các cuộc thi liên quan.
Công viên VR Star của TP Nam Xương là một phần kế hoạch đó, khi cung cấp 42 hạng mục tham quan và triển lãm, bao gồm nhiều loại xe hay các trò chơi đối kháng sử dụng công nghệ VR. Tất cả được hình thành trên một khu phức hợp rộng lớn, chủ yếu gồm các văn phòng bằng thép và kính cho tương lai khi hiện tại vẫn còn để trống.
Thành phố 5,5 triệu dân này là thủ phủ của tỉnh Giang Tây - một khu vực tương đối nghèo nàn nép mình ở vùng núi phía Nam Trung bộ Trung Quốc, nơi vốn tập trung vào ngành công nghiệp chính là khai thác đồng và sản xuất gạo. Các quan chức hy vọng rằng một ngày nào đó, Nam Xương sẽ là một trung tâm đẳng cấp thế giới về công nghệ thực tế ảo.
"Hiện tại, VR không thực sự cần thiết 100% tại thị trường Trung Quốc", ông Xiong Zongming, CEO của IN-UP Technology - một trong hàng chục công ty đang ươm tạo cơ sở VR - nói, "tuy nhiên với sự thúc đẩy của chính phủ, nhiều phòng ban và doanh nghiệp đã sẵn sàng dùng thử".
Bản thân ông Xiong - người sinh ra ở Nam Xương nhưng học tập và làm việc tại Nhật Bản gần một thập kỷ trước khi trở về định cư tại Thượng Hải - cũng đã chịu sự "lôi kéo" của các quan chức Nam Xương với lời đề nghị thuê nhà miễn phí và hơn 22 nghìn USD quỹ khởi nghiệp. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm thu hút nhân tài địa phương từ các TP ven biển giàu có hơn để thúc đẩy đỡ nền kinh tế địa phương.
Bức tượng robot khổng lồ tại một 'căn cứ' thực tế ảo ở TP Nam Xương, Trung Quốc. 
Bắc Kinh đã bắt đầu cuộc đua VR của mình chỉ một vài năm trước đây, khi mà những chiếc máy đeo tai bóng mượt của Samsung, Oculus, HTC hay Sony đã gây được tiếng vang lớn tại các triển lãm điện tử ở Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã lo lắng rằng họ có thể bỏ lỡ một sự bùng nổ.
VR cũng được đưa vào Made in China 2025 - một kế hoạch đầy tham vọng mà sâu xa là nhằm cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, bao gồm xe điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và robot. Nam Xương chỉ là một trong nhiều trung tâm VR trên cả nước.
Cho đến nay, VR chủ yếu là một sản phẩm thích hợp được sử dụng trong chơi game và đào tạo kinh doanh, bị hạn chế bởi gía thành đắt đỏ và hình dạng cồng kềnh cũng như số lượng phần mềm nghèo nàn. Theo các nhà phân tích, có thể nó có thể sẽ mất nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ, để công nghệ này thực sự trở thành xu hướng.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Ovum, chỉ 5,8 triệu tai nghe VR đã được bán trên toàn cầu vào năm ngoái - con số quá khiêm tốn khi so sánh với doanh số của hơn 1,5 tỷ điện thoại thông minh hay là so với dự kiến ​​được đưa ra hồi đỉnh điểm của cơn sốt VR vài năm trước.
Tuy nhiên ngay cả khi VR là một "canh bạc" mạo hiểm, các nhà phân tích nói rằng sự thúc đẩy của chính phủ Trung Quốc lúc này vẫn có thể được đền đáp trong tương lai. Bắc Kinh bắt đầu muộn nhưng không đi vào lối mòn, khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc khuyến khích các ngân hàng tài trợ cho các công ty khởi nghiệp VR và chỉ đạo chính quyền địa phương đầu tư vào các sản phẩm VR cho những dự án công cộng như trường học và địa điểm du lịch thay vì chỉ tập trung vào các mẫu thiết bị cá nhân.
Thêm vào đó, việc kết hợp phát triển cùng mạng 5G có tốc độ kết nối nhanh có thể tối ưu hóa các trò chơi phát trực tiếp để người dùng VR không phải chịu những cơn đau đầu mà công nghệ ngày nay đang gặp phải. Chenyu Cui, một nhà phân tích cao cấp của IHS Markit, hứa hẹn về thể thao điện tử, các buổi hòa nhạc hay thậm chí là phẫu thuật từ xa... cho kỷ nguyên 5G, cũng là lúc VR trở nên hữu ích với khán giả đại chúng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần