“Thành phố sẽ cùng Bộ báo cáo Chính phủ đẩy nhanh dự án đường sắt trên cao”

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (19/12), tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội tại đơn vị bầu cử số 4 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu làm tổ trưởng, cùng các đại biểu Nguyễn Văn Nam, Đào Quang Minh, Phùng Thị Bích Nga đã có buổi tiếp xúc với các cử tri quận Hai Bà Trưng, báo cáo về Kỳ họp thứ năm HĐND TP Khóa XV và trả lời kiến nghị của cử tri.

Đáng chú ý tại đây, các đại biểu đã lắng nghe đại diện cử tri 20 phường phản ánh, kiến nghị các vấn đề liên quan đến một số dự án giao thông chậm trễ, công tác quy hoạch lòng đường, vỉa hè, cây xanh; xử lý ô nhiễm môi trường; quản lý xe quá khổ, quá tải…
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại tiếp xúc với các cử tri quận Hai Bà Trưng
Ông Nguyễn Thanh Bình - cử tri phường Lê Đại Hành bức xúc: Dự án đường sắt trên cao tại TP triển khai quá chậm, tại sao TP không chủ động về vốn mà cứ phải chờ vốn ODA của Trung Quốc. Đặc biệt, để tạo cảnh quan môi trường đô thị, việc lát vỉa hè bằng đá là rất tốt. Tuy nhiên, đá có độ bền 50-70 năm, nhưng như trên tuyến Bà Triệu, tại sao hệ thống cây xanh không thay đổi, vẫn để nguyên các cây cong, vẹo? Ông Bình dẫn chứng, trong TP Đà Nẵng làm công tác quy hoạch các tuyến đường gắn với quy hoạch cây xanh rất chuẩn. “Cây xanh dù rất quý nhưng cũng có tuổi thọ nhất định. Những cây đã sâu, vẹo, cong keo, rễ nổi lên không còn ăn bám vỉa hè… cần được thay bằng cây khác. Nếu lát đá vỉa hè, cần quy hoạch lại toàn bộ cây xanh ở đó, bởi qua 5-7 năm, cây mới sẽ lại tốt tươi. Phải chủ động, mạnh dạn trong quy hoạch đô thị để đường phố đẹp lên”, ông Bình kiến nghị.

Bên cạnh đó, theo ông Bình, hiện TP đã rất bụi bẩn nhưng vẫn cho nhập những xe phân khối lớn. Vào các đêm, có những tuyến phố 3, 4 xe phân khối lớn đổ ầm ầm như xe tăng, quá ồn ào, gây bức xúc cho Nhân dân. “Cần xem xét lại việc cho lưu hành những xe phân khối lớn như vậy”, ông Bình nói rõ, và cũng phản ánh: Nhiều xe quá cũ nát đã có chủ trương thu hồi, xe thương binh chở hàng, vật liệu cồng kềnh vô tư vượt đèn đỏ, nhưng qua các đợt ra quân cho thấy quá nửa số xe này là xe giả thương binh, không biển số, không có các thiết bị đảm bảo an toàn… “Qua các đợt lực lượng chức năng ra quân thì số xe này giảm, nhưng sau lại đâu vào đấy. Chúng tôi kiến nghị cần có giải pháp triệt để thu hồi, trong đó nên có quy định sau bao nhiêu ngày giữ xe thì tiêu hủy đi”, ông Bình nói.
 Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường Lê Đại Hành)
Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu thay mặt lãnh đạo TP và tổ đại biểu HĐND TP đánh giá cao ý kiến đóng góp của cử tri quận Hai Bà Trưng, đồng thời cho rằng: TP năm nay đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực, giữ tốc độ tăng trưởng khá được T.Ư đánh giá cao, song vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là trong quản lý đô thị, quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển nông nghiệp… “Tại nông thôn, hàng chục nghìn km đường làng được bê tông hóa, trong đó có góp sức của nhiều bà con hiến đất làm đường, trong khi ở nội đô, giải phóng mặt bằng tốn rất nhiều tiền bạc, công sức. Đó chính là hạn chế lớn trong quản lý đô thị. Bên cạnh chuyển biến tích cực về trật tự vỉa hè, lòng đường, nhiều nơi vẫn “đầu voi đuôi chuột”, khiến TP chưa thể hài lòng về kết quả chung. Nhiều hộ gia đình vẫn khó khăn, ngay cả tại khu trung tâm. Cải cách hành chính nhiều tiến bộ nhờ thực hiện Năm kỷ cương hành chính, song vẫn còn kêu ca về cán bộ, công chức vô cảm trong giải quyết công việc cho người dân; còn một số điểm nóng, khiếu kiện đông người… Đó là những điều TP cần khắc phục”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh.

Đồng tình với các ý kiến cụ thể của cử tri quận, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng cho rằng: Trong dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Hà Nội phải chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, rất vất vả. Đúng là 250 triệu USD giải ngân cho dự án qua Ngân hàng Tái thiết Trung Quốc, nhưng TP vẫn phải thượng tôn pháp luật vì chủ đầu tư là Bộ GTVT chứ không phải TP. Dù có tiềm lực, TP không thể chi hết khoản đầu tư rất lớn đó, mà muốn đẩy nhanh dự án, TP cũng chỉ có thể góp một phần (nếu được T.Ư cho phép).

“Đúng là dự án đã kéo dài, lỗi hẹn nhiều lần, nên cần đẩy nhanh. Đất nước còn nghèo, không thể đóng cửa không đi vay, phải có bột mới gột nên hồ, nên phải chấp nhận vay và chịu lãi suất, song việc TP lựa chọn ODA sau này cũng phải rất tỉnh táo. Bởi đã vay ODA thì trước sau gì cũng phải trả, nên phải tính hiệu quả”, ông Sửu nhấn mạnh và cho rằng: Tuyến Cát Linh-Hà Đông nếu đẩy nhanh được thì sẽ giải tỏa tới 30-40% xe máy từ phía Hà Đông vào trung tâm TP-hiện luôn có mật độ xe rất cao. Dân số toàn TP tăng hàng năm, thực tế đã gần 10 triệu người, trong khi đường giao thông phát triển chậm, nhiều “điểm đen”. Vì vậy, “với các dự án này, TP sẽ cố gắng phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Chính phủ để đẩy nhanh lên. Khó khăn là TP không chỉ quy hoạch trên mặt đất mà phải quy hoạch cả không gian ngầm; lấy ý kiến tư vấn từ Thủ đô các nước, các nhà khoa học trong nước...”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Sửu cho hay: TP đã chỉ đạo và đang quyết tâm thực hiện trồng 1 triệu cây xanh, đến nay đã đạt 46%. Đúng là TP cần phải mạnh dạn quy hoạch lại hệ thống này, thay thế những câu xấu, không phù hợp chủng loại cây đô thị; song cũng cần lựa chọn, vừa phải dựa vào tự nhiên, vừa phải dựa vào các nhà khoa học góp ý trồng cây gì, trồng thế nào…

Với vấn đề lát đá vỉa hè, ông Sửu khẳng định TP đã chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc nghiêm túc, và yêu cầu trong tháng 12/2017 trả lời, báo cáo cụ thể về các yếu tố khách quan, chủ quan. “Cũng không thể cấm ôtô đỗ trên vỉa hè, vì tại TP, mật độ bãi xe còn thấp, mà không thể để ôtô đỗ hết dưới lòng đường. Đây là một vấn đề khó với Hà Nội, nhưng chắc chắn lực lượng Thanh tra sẽ làm hết sức khách quan”, ông Sửu nhấn mạnh và cũng cho biết, TP sẽ kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Công an về quản lý xe phân khối lớn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần