Thành phố Sông Công - “thỏi nam châm” thu hút đầu tư

Gia Tuấn - Thu Nhung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với ba yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cùng chính sách hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, từ một đô thị loại III, năm 2015, TP Sông Công chính thức được thành lập. "Sông Công - Thành phố khát vọng" vì thế trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều nhà đầu tư lớn.

Sức bật của bản lĩnh trẻ

Sông Công là TP công nghiệp phía nam của tỉnh Thái Nguyên; đầu mối giao thông, giao lưu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của vùng Đông Bắc Bắc Bộ. TP Sông Công có vị trí khá thuận lợi, cách TP Thái Nguyên 20km về phía nam, cách hồ Núi Cốc 17km, cách Sân bay Quốc tế Nội Bài 45km, cách Hà Nội hơn 50km về phía bắc. Sông Công có nhiều đường giao thông thủy, bộ ngang dọc, có Quốc lộ 3, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên và tuyến đường sắt Hà Nội-Quan Triều chạy qua, thuận lợi cho việc thu hút đầu tư công nghiệp, thương mại dịch vụ của Thái Nguyên nói chung, TP Sông Công nói riêng. Ngoài ra, TP Sông Công còn nằm giữa nhiều khu công nghiệp lớn, như: Sông Công 1, Sông Công 2, Phổ Yên, Yên Bình, Diềm Thụy, Quyết Thắng... thu hút hàng vạn lao động từ khắp các nơi đổ về. Trong đó, nhà máy sản xuất linh kiện của Samsung với vốn FDI hàng tỷ USD tại Thái Nguyên đang hoạt động rất hiệu quả.

Sau 2 năm thành lập, không chỉ diện mạo đô thị của TP Sông Công (Thái Nguyên) thay đổi từng ngày, mà lĩnh vực kinh tế cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Từ 6 phường, xã lúc mới thành lập với hơn 3 vạn dân, đến nay Sông Công có 11 phường, xã với số dân trên 10 vạn người; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt trên 80%. Kinh tế tăng trưởng cao, bình quân trong 5 năm qua đạt 18%/năm, cao hơn so với mức bình quân chung của tỉnh Thái Nguyên và cả nước.

Trao đổi với báo chí, ông Dương Xuân Hùng – Bí thư Thành uỷ TP Sông Công khẳng định, quan điểm của TP là tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp phát triển; tiếp tục rà soát kiến nghị, bãi bỏ một số thủ tục hành chính bất cập để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, qua các hội nghị gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp với tinh thần cầu thị, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Có thể nói, Sông Công đang có những thay đổi cả về chất và lượng. Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế với tổng thu ngân sách năm 2017 đạt xấp xỉ 572 tỷ đồng, tăng 194% so với năm 2016; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tăng 13,6% so với năm 2016. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2017 đạt 5.771 tỷ đồng (đạt 112% so với kế hoạch, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016). Trong chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, TP Sông Công nằm trong danh mục đô thị được nâng cấp lên thành đô thị loại II. Và trong tương lai gần, Sông Công sẽ trở thành một trong bốn đô thị cấp tỉnh của Thái Nguyên trong mục tiêu lấy công nghiệp và dịch vụ làm nền tảng.
“Bến đỗ” thu hút nhiều nhà đầu tư

Cùng với dấu ấn tăng thu ngân sách cho Nhà nước, môi trường đầu tư được cải thiện, nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng, lựa chọn TP Sông Công làm “bến đỗ” để lập nghiệp và phát triển.

Nhiều nhà đầu tư bất động sản đã mạnh dạn triển khai các dự án lớn như: khu đô thị Kosy, khu đô thị Hồng Vũ, khu đô thị Vạn Phúc,... Trong sự tăng trưởng chung của thị trường BĐS Sông Công, phân khúc đất nền cho thấy sức nóng “bỏng tay”. Chuyên gia cho rằng chính tiềm năng phát triển kinh tế của Sông Công và vị trí đắc địa của TP tạo đà cho sự bùng nổ bất động sản trong thời gian tới, đặc biệt phân khúc đất nền.

Pic 1: Phối cảnh khu dân cư phường thắng lợi TP Sông Công do Công ty CP Đầu tư xây dựng Thiên Lộc làm chủ đầu tư.

Mới đây, dự án đất nền khu dân cư tại phường Thắng Lợi nằm trên trục đường Thống Nhất và 209 của Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc được triển khai đã thu hút được sự chú ý của những người quan tâm. Bởi dự án nằm trong khu vực trung tâm của TP, vừa thuận tiện cho việc sinh hoạt, đi lại; vừa có thể kinh doanh buôn bán,... Dự án trên không đơn thuần giải quyết nhu cầu về nhà ở mà còn là dự án trọng điểm của TP Sông Công và tỉnh Thái Nguyên về đầu tư phát triển hạ tầng đô thị. Vì vậy, công ty tập trung mọi nguồn lực tài chính, máy móc, nhân lực… để thiết kế hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Dự án còn có trạm xử lý nước thải bằng công nghệ laser và lắng bùn của Đức, dự kiến tháng 3 sẽ cho vận hành thử. Hiện dự án đã hoàn thành được 80% công việc.

Được biết, những dự án nói trên được coi là những dự án trọng điểm của Sông Công nói riêng và của Thái Nguyên nói chung. Trên thực tế, các dự án không chỉ giải quyết bài toán về nhu cầu nhà ở; mà còn được quy hoạch xây dựng theo mô hình đô thị hiện đại, tạo thành một quần thể môi trường sống có đầy đủ tiện ích công cộng đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, tạo diện mạo mới, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng TP Sông Công thành đô thị loại II năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần