Thanh toán điện tử chiếm ưu thế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm hàng hóa dịch vụ trong thời điểm dịch Covid-19 lây lan. Ngân hàng đua nhau giảm phí kịch sàn để người dân tăng cường sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

 Thanh toán bằng thẻ tín dụng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh

Thay đổi thói quen, tâm lý người dân
Nhằm thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, NHNN quyết định miễn, giảm phí dịch vụ từ ngày 25/2 . Trong đó, miễn phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Riêng giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ sẽ được giảm tối thiểu là 1.300 đồng/giao dịch. NHNN cũng khuyến khích các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện mức phí giảm lớn hơn mức phí giảm của Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhằm hỗ trợ thị trường, thực hiện tốt Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ.
NHNN Việt Nam vừa cho biết dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt để thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP. Theo các chuyên gia, nếu dự thảo nghị định được phê duyệt, nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ số vốn cao hơn 49% tại các công ty fintech trong lĩnh vực thanh toán của Việt Nam. Như vậy cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn về chiều sâu nhưng lại tạo một thị trường mở và trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Hiện các ngân hàng như TPBank đang khuyến khích khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet Banking, Open Banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng. Hay SCB miễn phí thường niên dịch vụ eBanking và SMS biến động số dư; miễn phí chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán hóa đơn và thanh toán các tiện ích khác… Trước đó, Ngân hàng Techcombank cũng áp dụng chính sách "Zero Free" cho tất cả các giao dịch trực tuyến qua F@st I-bank và F@st mobile…
Không khó để bắt gặp trên quầy thanh toán tại các cửa hàng, siêu thị… là hàng loạt biển thông báo chấp nhận thanh toán bằng thẻ, bằng ví điện tử, QR code… từ nhiều nhà cung cấp khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hoa (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) được nhân viên Ngân hàng BIDV thông báo được giảm 100% phí giao dịch qua ngân hàng điện tử. “Cô nhân viên còn khuyến khích mình thoải mái mua đồ ăn, thức uống và shopping online mà không sợ phải ra đường hay chỗ đông người” - chị Hoa kể. “Trước đây, tôi cũng đã sử dụng các phương tiện thanh toán trên nhưng vẫn có thói quen để tiền mặt trong ví, tuy nhiên, đến nay thì sử dụng tiền mặt càng ít càng tốt để phòng bệnh” - bà Nguyễn Thu Phượng, Hai Bà Trưng cho biết.
Gia tăng dịch vụ, đảm bảo an toàn, bảo mật
Các chuyên gia cho rằng, giao dịch tiền mặt cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Đây được coi là cơ hội để các ngân hàng, các công ty phát triển ví điện tử... đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Trong khi các trung tâm thương mại trở nên vắng vẻ vì dịch bệnh, lượng đặt hàng trên các website bán hàng trực tuyến (Shoppee, Sendo, Tiki...) tiếp tục tăng mạnh như thời điểm trước Tết. Số liệu thống kê của ví MoMo từ sau dịp Tết Nguyên đán đến nay cho thấy, các giao dịch chuyển tiền (không bao gồm chương trình lì xì) qua ví tăng gấp 2 lần; giao dịch thanh toán tại quầy (quét mã thanh toán) tăng 100% so với thời điểm trước Tết. Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Sacombank Nguyễn Minh Tâm, thanh toán qua các kênh không dùng tiền mặt như ATM, Internet Banking, Mobile Banking, Sacombank Pay… tăng khoảng 50% so với cùng kỳ khi nhu cầu thanh toán cá nhân đang đà tăng cao.
Không chỉ miễn giảm phí giao dịch, các ngân hàng còn nhân cơ hội ra mắt các sản phẩm dịch vụ phục vụ cho thanh toán không tiền mặt. Tại BIDV, các khách hàng gửi tiền online qua BIDV Online, BIDV SmartBanking sẽ được cộng thêm 0,2%/năm lãi suất với tất cả các kỳ hạn so với lãi suất niêm yết tại quầy giao dịch. Tại nhiều ngân hàng cũng đầu tư mạnh cho các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán điện tử như việc áp dụng công nghệ xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động để vừa đảm bảo tính bảo mật, an toàn khi thanh toán, vừa phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới và hành vi người tiêu dùng. Trong khi đó, mới đây, 20 ngân hàng trên cả nước cho biết đã sẵn sàng để chuyển đổi thẻ chip.
Bà Nguyễn Tú Anh – Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS cho biết, NAPAS đã thực hiện 5 lần điều chỉnh, giảm tới 80% phí dịch vụ chuyển mạch (lần 1 vào ngày 1/3/2018, lần 2 vào ngày 1/3/2019, lần 3 vào ngày 1/5/2019, lần 4 vào ngày 1/10/2019 và lần 5 vào 25/2/2020). Năm 2020 là thời điểm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công theo chủ trương của Chính phủ, việc áp dụng chính sách miễn phí dịch vụ (mức thu 0 đồng) là sự chia sẻ trách nhiệm của ngành ngân hàng cũng như NAPAS với cộng đồng, với khách hàng. Các giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên không chỉ góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng trong dân cư mà còn giúp các cơ quan chính phủ cắt giảm được chi phí quản lý, vận hành.