Thanh tra hơn 2.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, các lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều địa điểm xăng dầu pha trộn, làm ảnh hưởng tới chất lượng đáp ứng theo chuẩn quốc gia.

Thông tin về kết quả thanh tra chuyên đề năm 2018, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trương Hồng Dương cho biết, Thanh tra Bộ KH&CN được Bộ KH&CN giao thanh tra chuyên đề năm 2018 với 2 lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và chương trình nông thôn miền núi. Để thanh tra chuyên đề năm 2018 đạt hiệu quả cao, Bộ KH&CN đã có công văn gửi 63 tỉnh thành các địa phương đề nghị chỉ đạo các Sở KH&CN cùng các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra chuyên đề về lĩnh vực Tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và sử dụng mã số mã vạch.
 Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trương Hồng Dương thông tin về kết quả thanh tra chuyên đề năm 2018.
Theo Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trương Hồng Dương, tuy tiến hành thanh tra chuyên đề diện rộng năm 2018 nhưng chỉ có 50 địa phương triển khai với các nội dung thanh tra chấp hành quy định pháp luật về đo lường chất lượng trong kinh doanh xăng dầu và sử dụng mã số mã vạch.
Theo đó, có 2.723 cơ sở được thanh tra, trong đó, 2.301 cơ sở kinh doanh xăng dầu; 422 sử dụng mã số mã vạch. Qua thanh tra, phát hiện 149 cơ sở vi phạm, trong đó 113 cơ sở kinh doanh xăng dầu và 36 cơ sở sử dụng mã số mã vạch; xử phạt hành chính gần 6,8 tỷ đồng; truy thu hơn 12 triệu đồng.
Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết, có nhiều địa phương tiến hành hoạt động thanh tra: Đồng Nai 100 cơ sở, Khánh Hoà 90 cơ sở, Bình Định 89 cơ sở, Đồng Tháp 84 cơ sở, Đà Nẵng 62 cơ sở, Sóc Trăng 57 cơ sở, Vĩnh Long 54 cơ sở, Hà Tĩnh 51 cơ sở. Các địa phương xử phạt nhiều: Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Bến Tre, Bình Định.
Qua thanh tra, cho thấy, các hành vi chủ yếu được phát hiện qua hoạt động thanh tra kinh doanh xăng dầu. Đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu, các hành vi kịp tháo dỡ, niêm phong kẹp trì trên phương tiện đo; giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo hết hiệu lực mà vẫn tiếp tục kinh doanh, sử dụng phương tiện đo không đạt yêu cầu kỹ thuật về đo lường; niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với quy định; kinh doanh xăng dầu khi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hết hiệu lực; bán xăng có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn quốc gia.
Điều này cho thấy, thời gian qua, các lực lượng chức năng phát hiện rất nhiều địa điểm xăng dầu pha trộn, làm ảnh hưởng tới chất lượng đáp ứng theo chuẩn quốc gia.
Đối với việc sử dụng mã số mã vạch, đây là điểm rất mới. Qua thanh tra, phát hiện một số hành vi thường xuyên xảy ra: Chưa nộp phí duy trì, không khai báo cập nhật danh mục…
Nhận xét, đánh giá về thực trạng chấp hành quy định pháp luật qua hoạt động thanh tra cho thấy, phần lớn cơ sở kinh doanh xăng dầu sử dụng mã số mã vạch đã chấp hành quy định pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa chấp hành, đặc biệt còn một số cơ sở cố tình vi phạm.
Đánh giá kết quả, Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho rằng, cuộc thanh tra 2018 đã đạt mục tiêu nâng cao trách nhiệm ý thức của các cơ quan quản lý Nhà nước, DN và người tiêu dùng cũng có trách nhiệm trong việc giám sát hoạt động kinh doanh của các  cơ sở kinh doanh xăng, sử dụng mã số mã vạch.
Qua cuộc thanh tra, đã ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật. Đây là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan T.Ư và địa phương trong việc tiến hành thanh tra, kiểm tra thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
Cũng theo Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, lĩnh vực về chương trình nông thôn miền núi, hiện nay có 62 địa phương thực hiện dự án chương trình nông thôn miền núi, trong đó, 9 địa phương không triển khai.
Qua thanh tra, số dự án còn tồn tại mô hình và nhân rộng đạt 70%; số dự án mô hình đang tồn tại nhưng không có khả năng nhân rộng là 17,9%; số mô hình không còn tồn tại sau khi dự án kết thúc là 13%.
Chánh Thanh tra Bộ KH&CN cho biết thêm, thời gian tới, Thanh tra Bộ KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thanh tra trên cả nước, đáp ứng tốt những yêu cầu, nhiệm vụ mà Bộ KH&CN giao phó.