Thanh Trì cần quyết liệt xóa chợ “cóc” trên đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh Trì là huyện nằm sát trung tâm TP Hà Nội, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Ý thức của đại bộ phận người dân về giữ gìn, bảo vệ môi trường đã được nâng lên.

Tuy nhiên, để Thanh Trì xanh, sạch, đẹp hơn cần sớm xóa những chợ “cóc” tồn tại trên một số tuyến đường giao thông.

Ra đường gặp… chợ “cóc”

Tại tuyến đường đi qua xã Tả Thanh Oai kéo dài 2km, nhưng có đến 2 chợ “cóc” họp ở gần trường học nên cứ vào giờ cao điểm, nơi đây lại tái diễn cảnh UTGT. Tương tự, tại tuyến đường giao thông liên xã Ngũ Hiệp - Đông Mỹ có chợ Tự Khoát. Do chợ không đủ sức chứa nên các tiểu thương ngày nào cũng tràn ra vỉa hè, lòng đường để bán rau, củ, quả, thịt, cá gây bức xúc cho người đi đường.

Còn ở chợ thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, các tiểu thương cũng đua nhau chiếm vỉa hè, lòng đường để bán hàng. Tại khu tập thể Nhà máy Pin Văn Điển, thị trấn Văn Điển, do địa phương buông lỏng quản lý nên hàng chục tiểu thương chiếm dụng đất công dựng lán làm chợ tạm. Chợ Quỳnh Đô nằm ở trung tâm xã Vĩnh Quỳnh, luôn có đông người qua lại. Nhiều năm nay, toàn bộ vỉa hè ở đây đã bị người dân và Ban Quản lý chợ chiếm dụng để hàng hóa, trông xe.

Cơ sở buông lỏng

Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai Nguyễn Tiến Hưng cho biết, địa phương được quy hoạch xây mới 2 chợ tại thôn Tả Thanh Oai và thôn Thượng Phúc. Nhưng, do tiểu thương buôn bán ở đây ít, không đảm bảo để đưa vào chợ, khó khăn cho hoạt động sau này. Bên cạnh đó, tại thời điểm lập kế hoạch đầu tư, do thiếu kinh phí nên việc xây chợ đã không được thực hiện. Ông Hưng thừa nhận: “Thực tế hiện nay, xã có 40.000 khẩu, địa bàn rộng, lại chỉ có Chợ trung tâm thương mại Cầu Bươu vừa đi vào hoạt động. Nhưng, do ở xa khu dân cư nên khi tuyên truyền, vận động các tiểu thương bán hàng ở các chợ tạm chuyển ra đây gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện nay trên địa bàn vẫn còn một số trường hợp cố tình bán hàng ở vỉa hè. Mỗi khi lực lượng chức năng ra quân xử lý, các tiểu thương lại tạm nghỉ bán hàng”.
Chợ “cóc” tồn tại ở vỉa hè, lòng đường trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Chợ “cóc” tồn tại ở vỉa hè, lòng đường trên địa bàn huyện Thanh Trì.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thu Hà cho rằng: “Trước đây, chợ được giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý và thực hiện theo hình thức lấy thu bù chi. Do vậy, các chợ hầu như không được cải tạo, sửa chữa nên đều đã xuống cấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy và gây ùn tắc giao thông, mất mỹ quan đô thị. Xét thấy việc quy hoạch, đầu tư xây dựng mỗi xã, thị trấn trên địa bàn 1 - 2 chợ là rất cần thiết để đưa chợ “cóc”, chợ tạm về một mối. Mặt khác, tiện cho việc quản lý kinh doanh, tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước, nên việc xây dựng được thực hiện. Đến nay, mô hình  chợ mới hoạt động khá hiệu quả, cơ bản giải quyết được chợ “cóc” trên địa bàn”.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì Nguyễn Huy Toàn khẳng định, năm 2008, UBND huyện lập đề án xây dựng chợ mới tại các xã, thị trấn. Đến nay, 16 chợ được xây dựng mới rồi đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, ở một số nơi tiểu thương đưa lý do vì chợ ở xa khu dân cư hoặc đường giao thông đi lại chưa đảm bảo nên không chịu vào trong chợ để kinh doanh. “Để di chuyển số tiểu thương đang bán hàng ở một số chợ cóc vào chợ mới, rất cần sự quyết liệt vào cuộc của UBND các xã, thị trấn cùng các cơ quan chuyên môn, nhất là Công an huyện và Đội Thanh tra giao thông vận tải huyện. Làm được như vậy, "Năm trật tự và văn minh đô thị 2016" mới thực sự đạt kết quả ” - ông Nguyễn Huy Toàn đề nghị.