Thanh Trì hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước 2 năm so với kế hoạch

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Huyện Thanh Trì vừa có báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”.

Theo đó, tính riêng trong giai đoạn 2 Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, tổng kinh phí huyện Thanh Trì đã huy động để thực hiện xây dựng nông thôn mới là 1.188 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước là 986,605 tỷ đồng, vốn lồng ghép 170,2 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách 32 tỷ đồng.
10 năm qua, công tác tổ chức, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được huyện Thanh Trì thực hiện khẩn trương, đồng bộ, nghiêm túc, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, có sức lan tỏa, được Nhân dân hưởng ứng.
Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã vận động Nhân dân hiến 11.380 m2 đất thổ cư, tiêu biểu như xã Vạn Phúc (4.398 m2), xã Đại Áng (2.772 m2), xã Ngũ Hiệp (1.691 m2)...; huy động đóng góp được 400.000 ngày công lao động để thực hiện các công trình hạ tầng.  
 Ao hồ xanh sạch đẹp, trong lành tại huyện Thanh Trì 
Đáng chú ý, năm 2015, toàn huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, 15/15 xã được TP quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 2 năm so với kế hoạch. Tháng 9/2017, huyện Thanh Trì vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh mục tiêu nông thôn mới, đời sống của người dân cũng không ngừng được nâng cao. Đến hết năm 2015, huyện đã có 100% số xã của huyện đạt tiêu chí thu nhập. Ước thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 đạt 54,3 triệu đồng/người, tăng 8,6 % so với mục tiêu của chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo còn 0,99%.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Tỷ lệ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% trong đó có 81,6% tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị. Môi trường sinh thái được quan tâm bảo vệ, thiết chế văn hóa ở nhiều nơi được quan tâm đầu tư.
Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; 100% số cơ sở đạt tiêu chí giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nâng lên cả về chất và lượng.
Đây là điều kiện thuận lợi để huyện Thanh Trì tiếp tục duy trì chuẩn và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh đô thị và vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với các tiêu chí phát triển đô thị. Phấn đầu hoàn thành Đề án đưa huyện Thanh Trì lên quận trước năm 2025.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần