Thanh Trì: Kiên định tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây nhiều năm, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp huyện Thanh Trì chưa tạo được sự khác biệt và đem lại lợi nhuận lớn cho người dân.

Tuy nhiên, với sự đồng lòng của cấp ủy, chính quyền trong việc kiên định tháo gỡ khó khăn đối với sản xuất và tăng cường tuyên truyền. Đến nay, nhiều mô hình nông nghiệp của huyện đã khẳng định được thương hiệu, giúp cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Đại diện UBND huyện Thanh Trì cho biết, 3 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát và tác động của thời tiết diễn biến khó lường nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cơ bản ổn định và tăng nhẹ. Tổng giá trị sản xuất nông, ngư nghiệp ước đạt 141,113 tỷ đồng tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, duy trì vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung tại 3 xã Tả Thanh Oai, Vĩnh Quỳnh, Đại Áng; vùng sản xuất rau an toàn tại 2 xã Yên Mỹ, Duyên Hà, vùng cây ăn quả xã Vạn Phúc và vùng trồng hoa đào xã Yên Mỹ. Phát triển đàn gia cầm (tăng 61.501 con so với cùng kỳ năm trước). Đặc biệt, đẩy mạnh các mô hình như trồng rau ứng dụng công nghệ cao, trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung, mô hình nuôi cá sông trong ao, nuôi cá chép dòng V1...
Mô hình nuôi cá sạch ''sông trong ao'' tại hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thiêm (xã Đại Áng) Ảnh: Hà Ánh
Huyện cải tạo nhà sơ chế đưa vào hoạt động phục vụ Nhân dân; từng bước thay đổi mô hình tổ chức sản xuất theo nhóm hộ trồng rau VietGap, rau hữu cơ… tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ đảm bảo an toàn thực phẩm với Hợp tác xã (HTX) An Phát, Công ty Hưng Gia, Davicorp tại xã Yên Mỹ với sản lượng tiêu thụ ước đạt 1,5 tấn rau/ngày, đồng thời duy trì và nhân rộng các điểm giới thiệu, tiêu thụ nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện.
Trong đó, mô hình trồng rau thủy canh, ứng dụng công nghệ cao tại xã Yên Mỹ  được sự hỗ trợ của UBND huyện, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đẩy mạnh phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 2.600m2, bình quân 1 năm sản xuất được 10 - 11 lứa rau, sản phẩm rau của HTX cung cấp cho các bếp ăn tập thể, trường học trên địa bàn huyện, mỗi năm cho thu nhập từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, cao hơn trồng rau truyền thống khoảng 20 lần.
Sau dồn điền đổi thửa, mô hình trồng cây ăn quả tại xã Vạn Phúc, một trong những mô hình mang tính bứt phá, đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô ở đất bãi ven sông Hồng sang trồng cam cảnh, quất cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Mạnh Thắng cho biết: “Mô hình này đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong xã; giải quyết việc làm cho trên 4.000 lao động nông nghiệp của địa phương”.
Từng bước tháo gỡ
Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, huyện Thanh Trì vẫn xác định phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một hướng đi cần tập trung chú trọng, từng bước tháo gỡ những khó khăn, tồn tại.
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn huyện chưa nhiều, còn khó khăn trong việc vận động người nông dân thay đổi phương thức tổ chức sản xuất. Các HTX nông nghiệp chưa phát huy hết vai trò là cầu nối giữa các hộ sản xuất và đơn vị thu mua. Tuy nhiên, huyện đã và đang gấp rút triển khai nhiều phương án, tập trung định hướng, gỡ khó đầu ra cho các doanh nghiệp, HTX để tạo ra những dòng sản phẩm khác biệt.
Điền hình như mô hình nuôi cá sạch “sông trong ao” của anh Nguyễn Văn Thiêm (xã Đại Áng) là mô hình lớn của TP Hà Nội, bước đầu đã đem lại hiệu quả với sản lượng đạt 140 tấn cá thương phẩm, doanh thu đạt 3,2 tỷ đồng, mang lại việc làm cho khoảng 10 lao động. "Khó khăn hiện nay là chi phí sản xuất cao hơn, nhưng giá bán của cá nuôi theo mô hình này chỉ tương đương với cá nuôi thông thường" - anh Thiêm cho hay.
Theo bà Tuyết Anh, do cơ sở này ứng dụng công nghệ cao, chi phí lớn nên huyện xác định trong 3 - 5 năm đầu tiên gặp khó khăn, huyện sẽ có sự hỗ trợ phù hợp nhất. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức các hội nghị khách hàng để giúp cơ sở giới thiệu sản phẩm cá sạch “sông trong ao”. Tiếp đó, khi tháo gỡ được đầu ra sẽ tiến hành đầu tư khâu sơ chế, đóng gói, đăng kí bảo hộ nhãn hiệu và đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để có thể tiếp cận được với hệ thống siêu thị, đem lại hiệu quả lâu dài hơn.
Đối với các xã phát triển vùng trồng rau an toàn, huyện đã đưa ra nhiều giải pháp, đẩy mạnh việc hình thành một chuỗi hộ gia đình sản xuất để bảo đảm số lượng và sự đa dạng sản phẩm. Từ đó có những chính sách quảng bá để đưa thương hiệu rau sạch của HTX cũng như địa phương đi xa hơn. Cũng như hình thành và phát triển những mô hình trang trại kết hợp du lịch thực nghiệm nhằm tăng tỷ suất dịch vụ cho các xã thuần nông.
Hi vọng, với những nỗ lực của chính quyền, người dân, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng, kinh tế nông nghiệp huyện Thanh Trì nói chung sẽ ngày một khẳng định chất lượng, thương hiệu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần