Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của T.Ư về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân

Hà Bình - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 6/4, Thường trực Thành ủy Hà Nội tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) và Chương trình hành động số 32-CTr/TU, ngày 4/4/2008 của Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Trưởng Ban Dân vận T.Ư Nguyễn Lam; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý và các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện…

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Hiện nay, trên địa bàn TP có 231.000 DN, trong đó có 737 DN nhà nước (chiếm 0,03%), 230.263 DN ngoài nhà nước (chiếm 99,97%), với tổng số khoảng 2,5 triệu công nhân lao động, chiếm 33% dân số và chiếm 66% tổng số lao động của TP. Theo quy hoạch được duyệt, TP có 19 khu công nghiệp tập trung, đến nay đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với 639 DN, thu hút khoảng 145.937 lao động, trong đó có 1.198 lao động nước ngoài. Số công nhân đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ 62%, là lực lượng lao động nòng cốt, có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô và đất nước.

Báo cáo về 10 năm hực hiện Nghị quyết số 20 do Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương trình bày nhận định: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH T.Ư Đảng (khóa X), Chương trình hành động số 32-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XIV), nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể TP về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế có chuyển biến tích cực.
Các cấp, các ngành đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương, đơn vị; xây dựng, triển khai, thực hiện nhiều đề án, dự án nhằm bồi dưỡng, đào tạo và chăm lo cho CNLĐ; phối hợp cùng các DN chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của CNLĐ, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong DN. Lực lượng công nhân Thủ đô ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng (đến năm 2013 TP có 1,5 triệu, thì đến năm 2018 có 2,5 triệu lao động); tri thức, trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ ngày càng được nâng lên; có kỷ luật và tác phong công nghiệp ngày càng đáp ứng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, đất nước.

Chế độ tiền lương của công nhân, người lao động đều tăng qua từng năm, tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2018 tăng lên mức gần 6 triệu đồng/người/tháng.

Công tác đào tạo, dạy nghề, nâng cao trình độ học vấn, trình độ kỹ thuật, nâng cao cao năng suất lao động cho công nhân những năm qua đã đạt kết quả tích cực. Thống kê cho thấy, hàng năm, ngân sách TP và Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề dành 80 tỷ đồng cho các trường dạy nghề công lập, đầu tư 116,2 tỷ đồng hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy nghề. Đồng thời, từ năm 2008, mỗi năm TP bố trí khoảng 30 - 35 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu và vốn sự nghiệp của TP cho công tác đào tạo nghề cho nông dân ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Giai đoạn 2010 - 2017 toàn TP đã tổ chức 5.011 lớp đào tạo nghề cho 172.514 lao động nông thôn, với tổng kinh phí trên 392 tỷ đồng.

Việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động được các cấp, các ngành, tổ chức Công đoàn thường xuyên quan tâm, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật lao động trong DN. TP đã thực hiện đầu tư các dự án về nhà ở, các điểm văn hóa cho công nhân, nhà trẻ mẫu giáo... ở các khu công nghiệp và chế xuất tập trung cho công nhân lao động. Trong 10 năm, TP đã chỉ đạo các ngành phối hợp xây dựng và triển khai các dự án về nhà ở, cũng như tạo điều kiên để DN tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân. Đến nay, đã có hàng chục nghìn chỗ ở được hoàn thiện, qua đó từng bước nâng cao đời sống công nhân lao động, nhất là CNLĐ trong các khu công nghiệp và chế xuất của TP.

Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Lan Hương phát biểu tại Hội nghị.
Vai trò của tổ chức Đảng và hoạt động của tổ chức công đoàn, các đoàn thể nhân dân trong DN được nâng lên. Đến tháng 4/2013, toàn Đảng bộ 911 TCCS Đảng, với tổng số 21.117 đảng viên, đến nay đã có 1.637 tổ chức cơ sở Đảng, với 26.481 đảng viên trong các DN khu vực ngoài nhà nước lên. Số tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội LHTN, Hội Phụ nữ và đoàn viên, hội viên trong DN cũng nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Cùng với những kết quả đạt được, Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại như đời sống của CNLĐ nói chung và công nhân trong các KCN, CX, cụm công nghiệp mặc dù đã được cải thiện nhưng còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Về thu nhập mới đáp ứng một phần nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt hàng ngày. Về nhà ở, mặc dù TP đã quan tâm xây dựng nhiều chỗ ở, nhưng mới đáp ứng một phần nhu cầu của người lao động... Hiểu biết pháp luật và những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của CNLĐ còn thấp; tác phong lao động công nghiệp của một bộ phận CNLĐ còn hạn chế, nhất là CNLĐ xuất thân từ sản xuất nông nghiệp...

Tại hội nghị, lãnh đạo LĐLD TP, các ngành, quận, huyện đã làm rõ thêm những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 20. Đồng thời, đề xuất những vấn đề cập quan tâm trong thời gian tới trong phát triển giai cấp công nhân đáp ứng với những điều kiện thực tế hiện nay. Trong đó, hàng năm, tổ chức đối thoại với DN, công nhân lao động, qua đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của công nhân lao động và DN. Tiếp tục xây dựng chính sách để tạo điều kiện thu hút phát triển DN, chú trọng DN có công nghệ cao, quy trình quản lý hiện đại và bảo vệ môi trường.
Rà soát các cơ chế, chính sách của TP liên quan đến công tác quản lý Nhà nước đối với DN và những vấn đề liên quan đến CNLĐ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, dự án về nhà ở, các thiết chế văn hóa; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đã đi vào hoạt động. Nghiên cứu cơ chế phù hợp, chính sách đầu tư ưu đãi, đặc biệt là đầu tư cơ sở vật chất, đẩy nhanh việc xây dựng các công trình phúc lợi công cộng lâu dài, đồng bộ, như: Nhà trẻ, trung tâm y tế, nhà văn hóa, khu vui chơi... đáp ứng nhu cầu của CNLĐ, nhất là ở các khu công nghiệp, chế xuất tập trung...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần