Thanh Xuân: Đến tháng 8/2017 còn hơn 1.200 doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục chương trình giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH, BHYT với người lao động (NLĐ) tại các DN trên địa bàn Hà Nội, chiều nay (3/10), đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với UBND-BHXH quận Thanh Xuân, các sở, ngành liên quan và một số DN có nợ đọng BHXH tại quận.

Cùng dự có Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Đàm Thị Hòa.

Theo Giám đốc BHXH quận Thanh Xuân Lê Ngọc Anh, hiện tại quận có 5.000 đơn vị, DN tham gia BHXH với trên 77.000 lao động đóng BHXH, BHTN và trên 240.000 người tham gia BHYT. Hàng năm UBND quận thường xuyên thực hiện kế hoạch thông tin tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT; quan tâm chỉ đạo thu hồi nợ BHXH, BHYT, nên tỷ lệ nợ BHXH, BHYT của các DN trên địa bàn có xu hướng giảm dần. Song, một phần do địa bàn tập trung quá nhiều DN hoạt động về xây dựng, thi công cơ giới, xây lắp, cầu đường vẫn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, khiến tỷ lệ nợ của các DN vẫn cao.
 Toàn cảnh buổi làm việc.
Cụ thể, đến tháng 8/2017 tại quận có 70 DN có số tiền nợ từ 500 triệu đồng trở lên, với tổng số 8.570 lao động, tổng số tiền nợ 109,3 tỷ đồng, chiếm 10,52% số lao động và 6,54 số tiền phải thu; có 1.201 DN có nợ từ 3 tháng trở lên với tổng số 9.817 lao động, tổng số tiền nợ 163,86 tỷ đồng. Nhất là vẫn còn 55 DN khó có khả năng thu hồi nợ do DN đã bỏ giao dịch, giải thể, phá sản… với tổng số tiền nợ 45.807 triệu đồng. Năm nay, qua đôn đốc bằng văn bản và trực tiếp làm việc với 1.265 DN, đã thu được 84.88 tỷ đồng trong tổng số 123,85 tỷ đồng nợ tại thời điểm đốc thu, đạt 68,53%.

Đến hết năm 2015, BHXH quận đã khởi kiện 202 DN với tổng số tiền nợ 142,59 tỷ đồng, sau khi khởi kiện đã thu hồi được 61,08% tổng số tiền nợ tại thời điểm khởi kiện. Song từ năm 2016 đến nay, thực hiện Luật BHXH sửa đổi bổ sung, LĐLĐ quận chưa khởi kiện các DN nợ do khó khăn trong hoàn thiện hồ sơ khởi kiện theo quy định; BHXH quận đã chuyển LĐLĐ quận 28 hồ sơ đề nghị khởi kiện với số tiền nợ 12,6 tỷ đồng.

Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương cho biết: Công tác BHXH, BHYT của TP Hà Nội có nhiều bước phát triển, song tổng số nợ đọng hiện vẫn còn 3.200 tỷ đồng, cao nhất cả nước. Trong các nguyên nhân, đáng chú ý do số DN trên địa bàn rất lớn, biến chuyển từng ngày, trong đó hiện hơn 23.000 DN nợ BHXH, tác động đến hơn 334.000 NLĐ; đồng thời hơn 6.500 DN giải thể, dừng hoạt động, nên rất khó cho điều tra, rà soát, thu nợ. Riêng tại quận Thanh Xuân, tỷ lệ nợ đạt 13%, vượt trần cho phép quá 2 lần, đứng thứ 6 về nợ BHXH tại TP.

Đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo UBND quận với công tác BHXH, cùng BHXH quận đôn đốc thu hồi nợ BHXH của DN…, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP cũng cho rằng: Tính tuân thủ pháp luật của DN trong thực hiện đóng BHXH cho NLĐ còn hạn chế; quận vẫn đứng vị trí cao trong các quận, huyện nợ đọng BHXH; vẫn còn hơn 1.200 DN có thời gian nợ BHXH 3 tháng trở lên, tác động đến rất nhiều lao động, trong khi từ tháng 1/2016 đến nay, LĐLĐ quận chưa khởi kiện được DN nào.

Với các kiến nghị của quận, đoàn giám sát thống nhất sẽ tổng hợp để đề xuất Quốc hội và Chính phủ sửa Luật BHXH năm 2014 hoặc ban hành văn bản để điều chỉnh quy định về thủ tục khởi kiện DN nợ BHXH, BHYT. Đồng thời, sẽ đề xuất các bộ chủ quản phải nắm được lực lượng nhân công lao động của các đơn vị trực thuộc; đề nghị BHXH Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về quản lý nợ BHXH…

Về phía quận, Trưởng đoàn giám sát đề nghị tăng cường công tác tuyên truyền cho toàn người dân và DN về các quy định liên quan đến BHXH, BHYT cũng như vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong giải quyết nợ đọng BHXH; đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định BHXH, BHYT tại DN; chỉ đạo quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ đọng và không để phát sinh nợ mới. Với các hành vi vi phạm, cần kiên quyết xử lý, trong đó, từ 1/1/2018 có quyền truy tố với các DN này theo quy định.