Phát sinh hơn 700 tỷ đồngTheo đại diện những đơn vị trúng thầu gói duy trì VSMT trên địa bàn TP, từ 1/3/2017 đến nay, các DN đã nghiêm túc thực hiện theo đúng hồ sơ dự thầu, thỏa thuận khung và Hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư cũng như chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng về việc đảm bảo thu gom, vận chuyển 100% khối lượng rác phát sinh hàng ngày. Sau hơn 3 năm thực hiện đã nảy sinh vướng mắc, các nhà thầu nhiều lần báo cáo lên sở, ban, ngành TP, chủ đầu tư, Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội… về những bất cập liên quan đến khối lượng phát sinh ngoài gói thầu, song chưa được xử lý kịp thời, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN, người lao động…Cụ thể, từ giữa năm 2018, liên ngành Sở Tài chính – Xây dựng đã chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, xác định khối lượng phát sinh ngoài gói thầu, trình UBND TP với giá trị 591.080 triệu đồng và bổ sung gói thầu thị xã Sơn Tây là 2.726 triệu đồng. Tiếp đó, Thanh tra TP thực hiện công tác thanh tra theo chỉ đạo của UBND TP và đã có kết luận về kết quả thanh tra công tác thu gom, vận chuyển rác thải, duy trì VSMT trên địa bàn TP với số tiền phát sinh 593.805 triệu đồng, trong đó 261.063 triệu đồng là khối lượng phát sinh về thu gom, vận chuyển rác thải được thanh toán từ nguồn ngân sách quận, huyện; 332.742 triệu đồng là giá trị khối lượng duy trì vệ sinh ngõ xóm, được thanh quyết toán từ nguồn thu giá dịch vụ VSMT. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 30/4/2020 và dự kiến đến hết năm 2020, theo tính toán của các công ty cổ phần duy trì VSMT, giá trị thực hiện hợp đồng sẽ chạm ngưỡng gần 500 tỷ đồng. Con số này chưa bao gồm giá trị thực hiện khối lượng phát sinh của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội khoảng hơn 200 tỷ đồng.Khó chồng thêm khóÔng Nguyễn Ngọc Oanh – Giám đốc Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai cho biết, theo kết quả đấu thầu duy trì VSMT, Công ty chịu trách nhiệm quản lý 2 địa bàn là Chương Mỹ, Quốc Oai. Theo hồ sơ thầu ban đầu, chi phí thu gom rác tại địa bàn huyện Chương Mỹ là 116 tỷ đồng và Hoài Đức 80 tỷ đồng nhưng đến nay, đã phát sinh khoảng 63 tỷ đồng, trong đó, địa bàn huyện Chương Mỹ 31 tỷ đồng (thành 147 tỷ đồng) và Quốc Oai 32 tỷ đồng (thành 112 tỷ đồng)…Ông Nguyễn Ngọc Oanh thông tin thêm, bên cạnh khối lượng rác phát sinh, những bất cập trong việc thu gom rác thải tại ngõ, xóm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của DN. Hiện nay, tại địa bàn huyện Chương Mỹ có khoảng 1.000km ngõ xóm nhưng có đến 150km tại những khu vực có mật độ dân cư thưa, đường dưới 2m không tính vào hợp đồng thu gom. Theo yêu cầu và đảm bảo VSMT, DN vẫn phải bố trí người tổ chức thu gom nhưng chi phí này lại chưa được tính nên gây khó khăn cho các DN. "Để đảm bảo hoạt động của DN, cuộc sống của người lao động trong thời gian chờ được phê duyệt khối lượng phát sinh, DN đã phải đi vay lãi ngân hàng để trang trải những chi phí phát sinh" - ông Nguyễn Ngọc Oanh chia sẻ.Cùng tình cảnh trên, ông Đào Đức Khánh – Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Thanh Trì cho biết, theo quy định, giá trị khối lượng duy trì VSMT tại các ngõ xóm sẽ được thanh quyết toán từ nguồn thu giá dịch vụ VSMT. Tuy nhiên, quy định này chỉ có thể áp dụng được ở các quận, nhất là với những quận trung tâm, chứ khó có thể áp dụng được ở huyện. Theo lý giải của ông Đào Đức Khánh, mức phí dọn dẹp VSMT ở xã thấp hơn rất nhiều so với ở phường, trong khi đó, địa bàn xã lại rất rộng, khối lượng rác phát sinh khá lớn… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN.(còn nữa)
Theo kết quả rà soát của liên Sở Tài chính – Xây dựng từ năm 2018, tổng kinh phí đấu thầu 26 gói thầu trên địa bàn TP hơn 4.370 tỷ đồng, tổng chi phí sau điều chỉnh (26 gói thầu, trong đó gói thầu thị xã Sơn Tây và Cầu Giấy không đề xuất điều chỉnh) hơn 4.961 tỷ đồng, chênh lệch tăng hơn 591 tỷ đồng.UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND, ban hành quy trình, định mức dự toán duy trì VSMT trên địa bàn TP; đồng thời, bãi bỏ phần quy trình, định mức tại Quyết định số 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 và Quyết định số 3599/QĐ-UBND ngày 17/7/2018 của UBND TP về việc ban hành quy trình công nghệ, định mức và đơn giá duy trì VSMT trên địa bàn. |
Các nội dung được quy định gồm: Vệ sinh đường phố, hè phố; duy trì vệ sinh ngõ xóm; thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đến khu xử lý; quy trình quét hè, ngõ xóm bằng xe quét hút chuyên dụng; VSMT trong vườn hoa, công viên, dải phân cách...; duy trì rửa đường bằng xe chuyên dùng; duy trì vệ sinh nhà vệ sinh công cộng; quy trình bơm hút, vận chuyển, xử lý phân bùn bể phốt... Đây là căn cứ để các sở, ngành, địa phương, đơn vị xây dựng định mức, dự toán và thanh toán khối lượng công việc. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2020. |