Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cho nông dân Phú Xuyên

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/5, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội thảo “Nhịp cầu nhà nông”.

Ban cố vấn tham gia tại Hội thảo
Chương trình nhận được sự quan tâm đặc biệt của hơn 200 nông dân huyện Phú Xuyên và Ban cố vấn gồm những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại hội thảo, người nông dân chủ yếu quan tâm tới kỹ thuật chăm sóc cây nhãn muộn, nâng cao chất lượng quả bưởi, cách chữa trị một số bệnh trên thủy sản, gia cầm... Một trong những nội dung mà nông dân quan tâm nhất hiện nay là biện pháp phòng chống nóng và cách chữa trị một số bệnh trên gia súc, gia cầm trong mùa nắng nóng.
Trước những nội dung được bà con nông dân quan tâm, các chuyên gia đã giải đáp cặn kẽ những thắc mắc của người nông dân. Trong đó, các chuyên gia lưu ý người nông dân nên tập trung biện pháp phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi là chính. Bên cạnh đó, nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng bệnh, đúng cách, đúng thời điểm. Qua đó, người dân đã vỡ ra nhiều kiến thức mới, kinh nghiệm bổ ích trong sản xuất nông nghiệp. Các quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi thú y, chăn nuôi thủy sản và các cơ chế sính sách của TP đối với phát triển nông nghiệp.
Cũng tại buổi hội thảo, các chuyên gia còn kết nối bà con nông dân tới những địa chỉ cung cấp cây, con giống chất lượng và tư vấn những loại thuốc trừ sâu, phân bón an toàn, giúp nâng cao năng suất.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Công Thành, Phú Xuyên là một huyện thuần nông, với hơn 8.000ha cấy lúa, còn lại là rau màu và nuôi trồng thủy sản. Thời gian qua huyện đã thực hiện nhiều chính sách phát triển nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, dự án trồng rau mầm, măng tây xanh… Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trong đó hạn chế trong kỹ thuật canh tác của người nông dân là một trong những trở ngại lớn.

Vì vậy, chương trình “Nhịp cầu nhà nông” là một cơ hội tốt để người nông dân trong huyện giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất. Bên cạnh đó giải đáp những vướng mắc, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân. Đây cũng là cách tập huấn hiệu quả, có sự kết nối trực tiếp giữa các hộ nông dân đối với các nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất ngày càng đạt hiệu quả kinh tế cao hơn trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần