Tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày càng nhiều kiến nghị, đề xuất hỗ trợ DN vay với lãi suất 0% để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 tác động. Thế nhưng, xung quanh giải pháp "mạnh tay" này, vẫn còn khá nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Trong khi các nhà hoạch định chính sách bàn về các gói hỗ trợ tiếp theo dành cho các đối tượng bị tác động của dịch Covid-19, DN nói, chỉ mong tiếp cận được.

Chính sách chưa sát thực tế
Theo NHNN, đến thời điểm này chưa có DN nào vay gói 16.000 tỷ đồng trong chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, điều kiện để DN vay vốn bao gồm: Có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.
 Sản xuất hàng tại Công ty CP Hồng Hà, quận Long Biên. Ảnh: Chiến Công

Bà Đặng Thị Mùi - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Vina Korea (KCN Khai Quang, Vĩnh Phúc) cho biết, dù đã nộp hồ sơ từ lâu nhưng đến nay công ty vẫn chưa vay được. Nguyên nhân là khi nộp hồ sơ, công ty chưa chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (từ sổ đỏ sang sổ hồng). “Trong quy định, chúng tôi không thấy đề cập vấn đề này nhưng phía cơ quan nhà nước thông báo phải chuyển đổi để họ xác minh tài sản, tài chính” - bà Mùi nói.

Nhiều DN cho biết, có nguyện vọng được hưởng gói hỗ trợ, nhưng việc phải chứng minh được một số vấn đề liên quan đến báo cáo tài chính, thuế... khiến họ ngần ngại. Bên cạnh đó, rất nhiều DN hiện nay cho rằng quy định DN không có nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2019 là rất khó khăn. Bởi lẽ, DN sẽ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết riêng với phía ngân hàng. Quy định như trên sẽ loại đi một tỷ lệ lớn DN được vay. 

“Công ty đã hết đơn hàng, nên từ ngày 25/8/2020, chúng tôi tạm ngừng hoạt động, chưa biết bao giờ mở lại. Đây là lần thứ hai công ty ngừng hoạt động, trước đó vào tháng 4/2020, chúng tôi nghỉ 1 tuần cũng vì hết đơn hàng, rồi đi làm lại, nhưng lỗ từ đó tới nay” - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity Nguyễn Thanh Phong chia sẻ. Tuy vậy, Gravity vẫn chưa được là đối tượng của gói vay ưu đãi với mức lãi suất 0% để trả lương cho công nhân.
“Nếu DN có tiền phải trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4 - 30/6/2020, đã không phải xin hỗ trợ. Còn nếu đạt điều kiện DN không cân đối đủ nguồn để trả lương cho người lao động ngừng việc, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương, thì DN phá sản” - ông Phong nói. Giám đốc Công ty TNHH Quốc Tế Delta Trần Đức Nghĩa cho biết, với tiêu chí của gói vay trả lương lãi suất 0% hỗ trợ, chỉ những DN “chết” mới đủ điều kiện được vay. 

Mở rộng đối tượng hỗ trợ, sửa điều kiện vay

Theo Bộ LĐTB&XH, lý do chưa DN nào vay được gói 16.000 tỷ đồng, một phần do các DN bị ảnh hưởng đã bắt đầu quay trở lại làm việc; có DN còn tích lũy kinh phí để trả lương. Hoặc có DN chỉ cho lao động nghỉ việc luân phiên, không có lao động ngừng việc liên tục một tháng nên không đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay vốn theo quy định. Mặt khác, do phải chứng minh tài chính ở chừng mực nào đó khiến DN e ngại ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh nên chưa chủ động trong việc lập hồ sơ đề nghị vay vốn và xác nhận các chế độ hỗ trợ khác cho người lao động.

Tại Hà Nội, đại diện Sở LĐTB&XH Hà Nội cho biết, chỉ có 2 hồ sơ DN đang nộp để vay gói trả lương lãi suất 0%. Nguyên nhân là điều kiện đưa ra khắt khe khiến DN khó đáp ứng đủ. Theo Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, tính đến 10/6, có 43 DN có nhu cầu vay vốn để trả lương cho người lao động nghỉ việc nhưng chưa DN nào được giải ngân vì không đủ điều kiện. “Phần lớn các DN đều không đáp ứng được tiêu chí có 20% số lao động phải ngừng việc do trong thời gian xảy ra dịch, các DN vẫn bố trí công nhân làm việc giãn ca, luân phiên. Do đó, có thể xem xét lại điều kiện này” - Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết. Để hỗ trợ các DN, Bộ LĐTB&XH có thể đề xuất Chính phủ điều chỉnh các tiêu chí, trong đó giảm các điều kiện cho vay, chỉ cần DN chứng minh gặp khó khăn về nguồn trả lương.

“Lúc này, Chính phủ có thể tính đến cơ chế cho DN vay với lãi suất 0%, thế chấp bằng tài sản. Chúng tôi cần tiền trả lương, duy trì hoạt động và để tìm cách có đơn hàng mới” - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Gravity Nguyễn Thanh Phong đề xuất.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ đã thống nhất với tờ trình của Bộ LĐTB&XH Ban hành nội dung sửa Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các quy định mới sẽ mở rộng đối tượng và điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ.
Theo đó, sửa đổi theo tinh thần Thường trực Chính phủ đã bàn là DN có nguồn thu giảm 20% so với quý IV của năm 2019 và quý liền kề trước thời điểm xét hưởng, giảm 20% so với cùng kỳ 2019, thì được cho vay. Mở rộng hỗ trợ cho người lao động tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại “cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông”.
Cần cắt giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính cho DN bằng cách lược bỏ các điều kiện thẩm định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, DN tự làm việc trực tiếp với ngân hàng, tự kê khai và chịu trách nhiệm về việc vay mình. Ngoài ra, thời gian lao động ngừng việc được hỗ trợ được kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12/2020 thay vì đến tháng 6/2020 như trước đó. Tuy nhiên, thời gian hỗ trợ cho vay vẫn không quá 3 tháng.

Cộng đồng DN vừa và nhỏ rất mong sớm được tiếp cận chính sách cho đơn vị vay trả lương lãi suất 0%. Ngoài ra, DN mong muốn chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất được kéo dài hơn nữa nhằm tạo ra ý nghĩa tích cực cho dòng tiền của DN. Đặc biệt, nới rộng điều kiện của hình thức cho vay tín chấp thông qua thẩm định phương án kinh doanh và dòng tiền khả thi thay vì cho vay thế chấp bởi không phải DN nào cũng có tài sản thế chấp…" - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - TS Tô Hoài Nam


"Gói hỗ trợ thứ 2 đang được xây dựng cần tách ra làm 2 nhóm: Chính sách giải cứu để DN sống được và chính sách đồng hành lâu dài cùng DN. Điều quan trọng bây giờ là tìm cơ hội cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN. Về phía DN, phải ứng dụng công nghệ cao trong quản trị điều hành, đổi mới máy móc, dành thời gian sắp xếp lại bộ máy, bồi dưỡng người lao động để thích ứng với hoàn cảnh mới… " - PGS.TS Trần Hoàng Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần