ĐB Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội bày tỏ, ông thấy quy định về giá dịch vụ đào tạo quy định trong dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học là rất đúng. “Bởi vì, hiện nay chúng ta đang thu học phí, mà thu học phí phải theo luật phí và lệ phí. Như vậy, phí đó do nhà nước ấn định. Các cơ sở giáo dục đào tạo không được quyền xác định xem chương trình này đào tạo phải chi phí nhiều hơn, chất lượng cao hơn, hay có nhiều mức đầu tư chi phí hơn thì giá của nó phải cao hơn. Trong khi đó, dự luật lần này đưa ra quy định liên quan đến giá dịch vụ đào tạo tức là tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý”, ĐB phân tích.
ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, việc này sẽ đảm bảo chúng ta có thể đưa ra được các chương trình đào tạo thực sự chất lượng cao với chi phí cao. Ví dụ, trường ĐH Kinh tế quốc dân liên thông với một trường ĐH quốc tế của Mỹ. Học sinh học chương trình này có thể học ở ĐH Kinh tế quốc dân hoặc trường đối tác đều được. Thậm chí, học ở trường này mấy hôm rồi sang trường kia học và ngược lại đều được nhận bằng của 2 trường. Tức là chương trình học tương đương nhau. Tuy nhiên, ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ được thu 55 triệu đồng vì khung không được phép thu hơn. Trong khi, trường đối tác được thu tới 50.000 USD, cùng 1 chương trình với chất lượng như vậy.
“Điều này thể hiện rằng, nếu chúng ta không đưa học phí hiện nay thành giá dịch vụ đào tạo mà cứ thu theo khung phí và lệ phí thì sẽ không khuyến khích các trường xây dựng và đưa ra các sản phẩm đào tạo có chất lượng cao. Bản thân người học cũng mong muốn như thế. Vì thực tế, nếu chi phí cao mà họ học được nhiều điều, với điều kiện tốt, ra trường phát huy được khả năng thì hơn là đóng học phí thấp nhưng dịch vụ kém”, ĐB Cường nhấn mạnh.
Ông khẳng định: “Việc quy định tính giá dịch vụ đào tạo, tức là tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo hợp lý là điều hết sức đổi mới để giáo dục địa học tạo bứt phá, nâng cao chất lượng và cởi mở hơn”. Tuy nhiên, ĐB đoàn Hà Nội cũng góp ý: “Trong dự luật, chúng ta cũng không thể để tính giá bao nhiêu cũng được, vì giáo dục không phải thị trường. Cho nên, phải có quy định rất rõ cái gì được tính vào trong giá dịch vụ đào tạo. Đồng thời, việc thu hay chi phải công khai để người học biết được thu giá như vậy có tương đương với dịch vụ hay không. Trách nhiệm giám sát xã hội ở đây cũng rất rõ. Có như vậy mới tránh được tình trạng nhầm lẫn như thu giá BOT thời gian qua. “Vậy thì, trong dự luật cần viết rõ là: Các cơ sở giáo dục đào tạo được thu học phí trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo chứ không phải dựa trên luật giá, phí và lệ phí là các trường được thu học phí dựa trên cơ sở giá dịch vụ đào tạo”.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Quốc Bình đồng ý với việc Bộ GD&ĐT chuyển quy định thu học phí cơ sở giáo dục đào tạo đại học sang quy định về giá dịch vụ đào tạo và quy định này phù hợp với luật giá, luật phí và lệ phí. Trong đó có những quy định về nhà nước đặt hàng, cấp kinh phí thực hiện, nhà nước quy định khung giá, còn với những dịch vụ không dùng ngân sách nhà nước thì cơ sở giáo dục đại học tự quyết định mức giá về giá dịch vụ. Như vậy phù hợp với thực tiễn đào tạo giáo dục đại học hiện nay”.
Bày tỏ ý kiến về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Lan, ĐB Nguyễn Anh Trí, ĐB Dương Minh Ánh cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của ĐB Hoàng Văn Cường.
Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, dường như Bộ GD&ĐT vẫn đang lúng túng, chưa có lý luận về vấn đề thu giá. Bà bày tỏ lo lắng: “Sợ rằng, người ta sẽ hiểu là “học giá”. Do đó, tôi cho rằng, chúng ta nên hiểu đây là dịch vụ công, mà đã là dịch vụ công thì thu học phí theo luật phí và lệ phí”.
Theo ĐB Trần Thị Quốc Khánh: “Nếu Bộ GD&ĐT muốn thay đổi quy định hay tên gọi về việc dùng từ thu phí hay thu giá thì trước hết, Bộ Tài chính phải có những quy định thống nhất và chi tiết về luật phí hay luật giá để từ đó thống nhất trong tư duy về quản lý nhà nước. Bởi lẽ, nếu chưa có những luận cứ rõ ràng thì sẽ dễ gây hiểu lầm”.