Thắp lên ngọn lửa đam mê

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù còn những gian truân, vất vả, những cái nhìn thiếu thiện cảm dành cho nghề giáo, nhưng vượt lên tất cả, những thầy, cô giáo ấy luôn thầm lặng cống hiến, hi sinh cho nghề.

Họ đã thắp lên ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, sáng tạo, góp phần trong công cuộc đổi mới giáo dục Thủ đô và đất nước. 
Làm bạn với học trò

Được Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, nhưng thầy Nguyễn Cao Cường (trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa) tự nhận mình may mắn hơn các giáo viên khác, bởi hàng ngày có rất nhiều thầy, cô vẫn âm thầm sáng tạo và truyền lửa đam mê cho học trò. Vì thế, với giải Nhì cấp TP và giải Ba cấp quốc gia cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-leaning 2016, thầy giáo dạy môn Toán luôn khiêm tốn: “Đây chỉ là sự sáng tạo nho nhỏ trong quá trình dạy học của mình”. Nhưng tôi hiểu, với sự say mê sáng tạo, cống hiến, thầy Cường đã giúp ích rất nhiều cho học sinh (HS). Với cách thiết kế bài giảng E-learning của thầy, HS có thể học bất cứ nơi đâu, lúc nào bằng thiết bị internet một cách hiệu quả, hứng thú.

Thầy Nguyễn Cao Cường - giáo viên trường THCS Thái Thịnh hướng dẫn học sinh ôn bài. Ảnh: Thủy Trúc

Không những chuyên tâm trong công tác dạy học, thầy Cường còn là người năng nổ với các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động thiện nguyện. Với vai trò Chủ tịch Công đoàn trường, thầy là người kết nối thực hiện chương trình “Áo ấm mùa Đông” của trường THCS Thái Thịnh. Đến nay, sau 5 năm, thầy trò trường Thái Thịnh đã quyên góp, may mới 100% áo ấm mang đến cho HS nhiều vùng khó khăn của tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang với tổng giá trị khoảng 400 triệu đồng.

Không muốn nói nhiều về bản thân, về những đổi mới, sáng tạo trong dạy và học môn Toán, thầy Cường khiêm tốn cho rằng “đó chỉ là sự chuyển mình thay đổi phương pháp dạy học theo xu thế đổi mới chung. Cũng như người thầy thay đổi phương pháp chủ nhiệm để thầy và trò ngày càng thu hẹp khoảng cách, gần nhau hơn”.

Chia sẻ về vai trò giáo viên bộ môn kiêm chủ nhiệm lớp, thầy Cường nêu quan điểm, nhà giáo không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức và đối thoại với HS mà còn là bạn đồng hành. Việc này vô cùng cần thiết, nhất là khi các em HS cấp 2 đang trong giai đoạn phát triển, rất cần có người đồng hành, hiểu tâm tư, tình cảm để giúp định hướng tốt. Người thầy đeo cặp kính trắng ấy còn được HS ví như “bạn tâm giao” để thổ lộ mọi điều trong cuộc sống. “Có những hôm đồng hồ đã chỉ 0:0 giờ, mình vẫn nhận được tin nhắn của các con giãi bày chuyện bố mẹ trục trặc, gia đình có nguy cơ tan vỡ. Lúc đó, mình lại động viên các con ổn định tâm lý, mặt khác suy nghĩ cách tiếp cận phụ huynh để cùng giúp xử lý tình huống...”. Những việc thầy Cường làm đều xuất phát từ tình cảm và hơn hết là mong muốn học trò phát triển và học hành trong điều kiện tốt nhất.

Hy vọng danh hiệu được Sở GD&ĐT Hà Nội trao tặng sẽ là động lực để thầy Cường tiếp tục sự nghiệp “trồng người”, giúp học trò thực hiện những ước mơ.

Cùng học sinh... làm kinh tế

Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp, công tác ở vùng nông thôn nên nhiều năm nay cô Phùng Thị Hà - giáo viên trường THPT Yên Lãng (huyện Mê Linh) luôn trăn trở tìm cách giúp HS khởi nghiệp từ môn học Công nghệ. “Môn học có ba phần, bao gồm: Trồng trọt, chăn nuôi và tạo lập DN. Nhiều năm nay, tôi xâu chuỗi quá trình dạy học và xây dựng cho học trò quy trình, kế hoạch trồng trọt và chăn nuôi trong gia đình, sau đó tìm cách chế biến và bán sản phẩm ra thị trường” – cô Hà cho hay. Cô còn phấn khởi khoe, từ những sản phẩm gia đình nuôi trồng được, HS đã làm được kẹo lạc, kẹo vừng, chuối khô, bỏng ngô, khoai lang lắc... mang bán và được nhiều người đón nhận. Không những thế, các em còn biết gia cố sản phẩm để có giá trị hơn, mang lại thu nhập cao. Những việc làm đó của các em đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Cô Phùng Thị Hà đang hướng dẫn học sinh chế biến phân hữu cơ.

Nhưng để các cô cậu học trò cấp 3 kinh doanh được, người giáo viên hướng dẫn phải luôn trải nghiệm đi đầu. Thậm chí, nhiều lần thất bại trong chế biến sản phẩm nhưng cô Hà không nản lòng. Cô luôn mong muốn HS áp dụng được kiến thức đã học từ môn Công nghệ vào thực tế để sau này cải thiện đời sống. Để ngăn chặn và thực hiện chiến dịch “cánh đồng không đốt rơm rạ”, cô Hà nhấn mạnh vấn đề này trong mỗi tiết học Công nghệ và đưa ra những phương pháp hữu ích trong tái sử dụng rơm rạ nhằm phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Cô hướng dẫn các em dùng rơm làm phân bón, chổi... Đặc biệt cô hướng dẫn các em cách làm nấm từ rơm dùng để ăn, mang bán khiến HS rất hào hứng. Nhiều em đã về nhà, truyền đạt lại kiến thức cho bố mẹ để cả nhà cùng làm nấm. Những giờ học lý thuyết, thực hành trên lớp được học trò mang về ứng dụng, giúp ích cho gia đình, là niềm vui của các em, cũng là động lực để cô tiếp tục đồng hành, sáng tạo “vừa học, vừa làm”.

Nhờ sự tâm huyết, tỉ mẩn, hết lòng vì HS của cô, cứ mỗi khi đến giờ Công nghệ, học trò trường Yên Lãng vô cùng hứng khởi. Sau khi học lý thuyết và thực hành, cô còn giao những đề tài “nho nhỏ’’ để các em áp dụng. Qua đó, các em có cơ hội đưa ra những đề xuất, sáng tạo, sáng kiến về xử lý chất thải chăn nuôi trong gia đình, khu dân cư... Từ cách dạy học môn Công nghệ, cô giáo vùng quê Phùng Thị Hà nhận định, cốt lõi sâu xa của việc học chính là biến tri thức ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Đương nhiên, mỗi vùng, miền có đặc thù khác nhau, nên HS phải biết sử dụng kiến thức ấy một cách phù hợp và hiệu quả.

Phương pháp dạy học theo hướng trải nghiệm mà cô Hà theo đuổi mang đến thành công, được Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận bằng giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”. Cô luôn tâm niệm, dạy học không phải đến giờ lên lớp giảng bài, hết tiết đi về, mặc kệ các em dung nạp kiến thức ra sao, mà quan trọng, trong mỗi giờ học, phải đem đến cho HS cảm hứng, niềm đam mê. Để làm được điều đó, người giáo viên phải luôn tìm tòi, sáng tạo, đặc biệt luôn gần gũi để hiểu tâm lý các em, vì mỗi HS có cá tính riêng. Trong khi nhiều người phân biệt môn chính, môn phụ, cô Hà lại cho rằng, cái đích cuối cùng của việc học là cải thiện cuộc sống. Vì thế, mỗi môn học đều có những vị trí riêng. Với cô Hà, HS chính là nguồn cảm hứng vô tận để cô tiếp tục đi trên con đường “gieo chữ”, “trồng người”.

Thầy Cường, cô Hà là 2 trong số 100 “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” được Sở GD&ĐT Hà Nội trao giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay. Và biết bao nhiêu thầy, cô giáo khác vẫn đang miệt mài, thầm lặng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục Thủ đô. Họ xứng đáng được học trò và xã hội trân trọng, tôn vinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần